Trong báo cáo vừa được công bố hôm nay 2/10, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 chỉ ở mức 4,7%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu theo kế hoạch (6,5%).

Việt Nam là “người hùng” của quá trình hồi phục kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 chỉ ở mức 4,7%, thấp hơn so với bình thường rất nhiều do nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu.

Theo Báo cáo cập nhật kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương (EAP) được công bố hôm nay 2/10, ông Aaditya Mattoo, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực EAP của WB cho biết: “Hầu hết các nền kinh tế trong EAP đã hồi phục”. Trong đó, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và Việt Nam nổi bật nhất. Tiếp theo là Indonesia, Campuchia, Malaysia, Lào, Philippines… đã tăng trưởng cao hơn so với trước đại dịch. Tuy nhiên, vẫn còn Tonga, Vanuatu, Samoa, Myanmar… vẫn chưa hồi phục. 

Tăng trưởng GDP theo giá so sánh của Việt Nam dự kiến sẽ chững lại còn 4,7% trong năm 2023 do tiêu dùng tư nhân yếu đi, thị trường bất động sản ảm đạm, và nhu cầu bên ngoài giảm mạnh. Mặc dù tăng trưởng chững lại, nhưng tỷ lệ nghèo dự kiến giảm từ 3,2% trong năm 2022 xuống còn 3% trong năm 2023.

Theo đó, sau khi phục hồi mạnh mẽ vào năm ngoái, nền kinh tế hiện đang phải đối mặt với nhiều trở ngại trong nước và bên ngoài trong năm 2023. GDP và thương mại toàn cầu yếu đi làm suy giảm sức cầu bên ngoài đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng. Đồng thời, sức cầu trong nước cũng chững lại, nhưng dự kiến vẫn tiếp tục là động lực tăng trưởng chính.

Lạm phát CPI bình quân trong năm nay dự báo ở mức 3,5%, sau đó giảm còn 3,0% trong năm 2024 và 2025 với giả định giá cả năng lượng và thương phẩm vẫn ổn định.

Cân đối ngân sách dự kiến có bội chi ở mức 0,7% GDP trong năm 2023 khi chính sách tài khóa vẫn phần nào hỗ trợ cho nền kinh tế, nhưng Chính phủ sẽ quay lại vị thế tài khóa thận trọng hơn trong năm 2024, phù hợp với chiến lược phát triển ngành tài chính giai đoạn 2021-2030.

Tài khoản vãng lai dự kiến sẽ tiếp tục được cải thiện, nhờ xuất khẩu sẽ phục hồi ở mức khiêm tốn, số lượt du khách quốc tế tiếp tục phục hồi, và nguồn kiều hối vẫn đứng vững. Tỷ lệ nghèo (theo chuẩn nghèo cho quốc gia thu nhập trung bình thấp) được dự báo giảm từ 3,2% trong năm 2022 xuống còn 3,0% trong năm 2023.

“Việt Nam là một trong những “người hùng” của quá trình phục hồi kinh tế khu vực EAP”, ông Aaditya Mattoo nhấn mạnh và dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 là 4,7%, thấp hơn so với bình thường rất nhiều do nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu. Trong khi, bối cảnh hiện nay, lĩnh vực này đang gặp những hạn chế, cùng với đó là lực cầu nội địa ở mức vừa phải.

Củng cố lòng tin người tiêu dùng và nhà đầu tư

Cũng theo WB, dự kiến GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng lên mức 5,5% vào năm 2024, nhưng Việt Nam cần phải thực hiện nhiều cải cách hơn. Mặc dù vốn là quốc gia đã thực hiện những cải cách trong nhiều năm trước, nhưng lại không lớn trong những năm gần đây.

Việt Nam là “người hùng” của quá trình hồi phục kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương

Để đảm bảo tăng trưởng trong ngắn hạn cần đẩy nhanh tốc độ triển khai đầu tư công và củng cố lòng tin của người tiêu dùng và các nhà đầu tư.

Báo cáo lưu ý, nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến tăng trưởng thấp hơn dự kiến ở các nền kinh tế phát triển và Trung Quốc có thể tiếp tục khiến nhu cầu bên ngoài về các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam suy giảm. Chính sách tiền tệ bị thắt chặt hơn nữa ở các nền kinh tế lớn và phát triển có thể sẽ lại nhen nhóm gây áp lực tỷ giá cho đồng nội tệ, tác động đến dòng vốn. Nhìn từ trong nước, những rủi ro và nguy cơ dễ tổn thương về tài chính gia tăng đòi hỏi phải theo dõi sát sao và tiếp tục đổi mới.

Điều quan trọng để đảm bảo tăng trưởng trong ngắn hạn là đẩy nhanh tốc độ triển khai đầu tư công và củng cố lòng tin của người tiêu dùng và các nhà đầu tư. Do đó trong ngắn hạn, báo cáo khuyến nghị chính sách tài khóa nên tiếp tục hỗ trợ cho tổng cầu. Ngân sách đầu tư được triển khai đầy đủ, kết hợp với các bước nhằm tháo gỡ ách tắc về thủ tục đầu tư công, là cách để nâng đầu tư công lên 7,1% GDP trong năm 2023, so với 5,5% trong năm 2022, qua đó sẽ hỗ trợ cho tổng cầu.

Chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng được cho là phù hợp, nhưng tiếp tục cắt giảm lãi suất sẽ làm gia tăng chênh lệch lãi suất với các thị trường trên toàn cầu, có khả năng gây áp lực đến tỷ giá. Để giảm nhẹ rủi ro tài chính đang gia tăng, các biện pháp nâng cao tỷ lệ vốn của các ngân hàng và tăng cường khung giám sát ngân hàng là cách để đảm bảo ổn định và khả năng chống chịu của khu vực tài chính”, báo cáo khuyến nghị.

Trong dài hạn, Việt Nam kỳ vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt được mục tiêu đó, WB khuyến nghị, Việt Nam cần nâng cao năng suất qua cải thiện các nền tảng căn bản của khu vực tài chính, xử lý những ách tắc về thể chế trong đầu tư công nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt hạ tầng, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để khu vực tư nhân trong nước hoạt động hiệu quả hơn, bên cạnh việc xử lý những rủi ro về biến đổi khí hậu và bền vững môi trường.