Bắt đầu từ đầu tháng 10, các ngân hàng chỉ còn được dùng 30% vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, thay vì mức 34% như trước đây.
Việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là quy định đã được đưa ra từ năm 2020, được thực hiện theo lộ trình giảm dần mỗi năm một ít, từ 40% về 30%.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong vòng một năm trở lại đây, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của toàn hệ thống ngân hàng chỉ quanh mức từ 25 – 26%, luôn thấp hơn quy định, ngay cả khi giảm xuống mức 30% từ 1/10 năm nay.
Chỉ duy nhất nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn cao hơn, đến tháng 7/2023, tỷ lệ này ở mức 32,6%. Vì vậy, để đáp ứng đúng quy định giảm tỷ lệ, các ngân hàng thương mại cổ phần đã phải thực hiện nhiều giải pháp, ví dụ như phải tăng lượng huy động các kỳ hạn dài lên.
Trong vòng một năm trở lại đây, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của toàn hệ thống ngân hàng chỉ quanh mức từ 25 – 26%. (Ảnh minh họa – Ảnh: Dân trí)
Tại ngân hàng VPBank, biểu lãi suất huy động của các kỳ hạn dài luôn cao hơn từ 0,3 – 1,5%/năm so với tiền gửi ngắn hạn để khuyến khích người dân gửi tiền nhiều hơn vào các kỳ hạn dài.
“Đây là lộ trình giúp các ngân hàng thương mại có thể tăng độ an toàn của mình trong quá trình huy động vốn và sử dụng vốn, kinh doanh theo thông lệ quốc tế”, ông Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính, nhận định.
Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện khoảng 80% tiền gửi tiết kiệm là ngắn hạn, nên việc cho vay trung và dài hạn quá lớn sẽ khiến hệ thống chịu rủi ro chênh lệch kỳ hạn.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...