Quy định này đang được kỳ vọng sẽ khiến các ngân hàng phải cạnh tranh hơn, tạo mặt bằng lãi suất vay thấp hơn để giữ chân người vay vốn.
Vay ngân hàng để trả nợ ngân hàng
Người dân có thể vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác. Đây là thông tin được rất nhiều người quan tâm những ngày gần đây khi Thông tư 06 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 9.
Trước kia, nếu muốn chuyển khoản vay từ ngân hàng A sang ngân hàng B có lãi suất thấp hơn, người vay sẽ phải tìm cách vay nóng một khoản tiền, để tất toán khoản vay đó. Sau đó, mới làm hồ sơ vay mới tại ngân hàng khác. Nhưng giờ thì người dân có thể chuyển hồ sơ sang vay luôn ngân hàng B. Việc cho vay trả nợ trước hạn thực chất đã được thực hiện với các doanh nghiệp từ trước với mục đích cho vay kinh doanh. Điểm mới là nay ngân hàng Nhà nước cho phép mở rộng sang áp dụng cho cả các khoản vay tiêu dùng, cho cá nhân.
Quy định này đang được kỳ vọng sẽ khiến các ngân hàng phải cạnh tranh hơn, tạo mặt bằng lãi suất vay thấp hơn để giữ chân người vay vốn. Ngay trong tuần qua, một số ngân hàng đã bắt đầu tung ra các chương trình cho vay mới từ đầu tháng 9 nhằm phục vụ khách muốn trả nợ ngân hàng khác. Thời gian cho vay của nhiều ngân hàng kéo dài tới 30 năm, điều kiện là không vượt quá thời hạn còn lại của khoản vay tại tổ chức tín dụng khác. Hiện trong nhóm ngân hàng lớn có vốn nhà nước, các mức ưu lãi suất cho vay liên tục được điều chỉnh giảm, giữa tuần ở mức 6,9%/năm. 1 ngân hàng khác tiếp tục đưa ra mức 6%/năm và hiện mức lãi suất được đưa ra thấp đến bất ngờ chỉ 5.6%/năm áp dụng với các khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh và phục vụ tiêu dùng có tài sản đảm bảo như vay mua nhà, mua xe.
Sự “mở màn” của những ngân hàng này được nhận định sẽ kéo thêm nhiều đơn vị đưa ra mức lãi suất ưu đãi, tạo môi trường lãi suất tốt hơn, vừa giúp khách hàng được vay với mức lãi rẻ, vừa giúp ngân hàng cải thiện tăng trưởng tín dụng. Thế nhưng theo ghi nhận, mặc dù rất phấn khởi trước quy định mới này nhưng nhiều người có khá nhiều các băn khoăn.
Nhiều băn khoăn về cho vay trả nợ trước hạn
Chị Hoàng Phương Thảo, Hà Đông, Hà Nội: Quy định này rất hay, lúc đó mình sẽ cân nhắc lãi suất ngân hàng kia đưa ra, nếu lãi suất thấp hơn từ 2-3% so với ngân hàng cũ thì mình cân nhắc, nhưng nếu lãi suất thấp hơn chỉ ít thôi mà thủ tục lại phức tạp thì mình sẽ chưa tham gia.
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Tây Hồ, Hà Nội: Hiện giờ trả nợ trước hạn thì chúng tôi đã trả phí khoảng 2-3% trên tổng số khế ước nhận nợ, vậy bây giờ chuyển đổi thì ngoài phí, còn thẩm định tài chính, công chứng, bảo hiểm.. sẽ được hướng dẫn thực hiện như thế nào là điều mà tôi rất quan tâm.
Ông Bùi Quang Cường, Tổng Giám đốc Công ty CP Bất động sản Bầu trời Việt Nam: Chúng tôi băn khoăn là tài sản đảm bảo thì thế nào, có phải bổ sung không, rồi quy trình làm việc 3 bên sẽ như thế nào, dòng tiền được giải ngân ra sao. Chưa kể khẩu vị cho vay giữa các ngân hàng hiện còn khác nhau, có thể vay được ở ngân hàng này, nhưng chưa chắc vay được ở ngân hàng khác. Như vậy sẽ cần có những nội dung chi tiết hơn nữa để Thông tư thực sự đi vào cuộc sống.
Trước băn khoăn của nhiều người, phía ngân hàng cho biết cũng đã hoàn thiện quy trình nội bộ về việc cho vay với các khách hàng cá nhân muốn trả nợ trước hạn tại ngân hàng khác rồi đưa ra nhiều ưu đãi như miễn phí thẩm định tài sản, hay hỗ trợ giải ngân nhanh…
Các chuyên gia nhận định, các ngân hàng sẽ phải cố gắng giữ lại khách hàng tốt bằng việc cạnh tranh giảm lãi suất khoản vay cũ và thêm các chương trình ưu đãi. Điều này có nghĩa không dễ để có làn sóng khách hàng chuyển các khoản nợ từ nhóm ngân hàng lãi suất cao sang ngân hàng lãi suất thấp hơn.
Các ngân hàng đang hoàn thiện chính sách cho vay trả nợ trước hạn
Theo quy định của NHNN, khách hàng có thể vay tiền của ngân hàng này để trả nợ cho ngân hàng khác với điều kiện khoản vay đó chưa được cơ cấu nợ. Thời gian vay tại ngân hàng mới cũng không được vượt quá thời hạn còn lại của khoản vay cũ.
Liệu việc cho phép khách hàng cá nhân vay để trả nợ tại ngân hàng khác có tạo làn sóng dịch chuyển các khoản vay sang ngân hàng lãi suất thấp hơn? Câu trả lời là khó.
Cái lợi lớn nhất với khách hàng khi dịch chuyển khoản vay là phải trả lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên, họ phải gánh thêm một loạt chi phí, lớn nhất là chi phí phạt trả lãi vay trước hạn, hiện ở mức 1-3%, cộng với hàng loạt vấn đề liên quan tới tài sản đảm bảo… Mà mỗi ngân hàng có 1 khẩu vị rủi ro khác nhau nên định giá khoản vay rất khác nhau…
Theo lãnh đạo các ngân hàng, khi mà khách hàng có thêm nhiều lựa chọn, thì một trong những ưu tiên lúc này là giữ chân khách hàng hiện hữu.
Bà Đinh Thị Thu Thảo – Giám đốc Khối Khách hàng Cá nhân – Ngân hàng ACB: Đối với ngân hàng chúng tôi, việc giữ khách hàng hiện hữu là ưu tiên hàng đầu. Đối với thông tư mới này ra, tất cả các ngân hàng đều phải đưa ra thông điệp với khách hàng của mình là lãi suất ổn định trong nhiều năm hoặc trong suốt thời gian vay của khách hàng, để khách hàng yên tâm và ở lại với ngân hàng của mình.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh: Với quy định này, các tổ chức tín dụng phải công khai minh bạch về thủ tục, về lãi suất, về phí cũng như làm tốt công tác chăm sóc khách hàng, tư vấn, để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Điều này sẽ hạn chế việc khách hàng trả nợ khoản vay của ngân hàng mình để chuyển sang khoản vay mới.
Các ngân hàng cũng đánh giá, với chính sách mới này, cũng buộc các NH phải nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm mới có thể cạnh tranh được.
Mặt bằng lãi suất sẽ có sự cạnh tranh như vậy sẽ có lợi cho người vay. Nếu xét riêng trong lĩnh vực bất động sản điều này sẽ kích thích nhu cầu vay mua nhà đất của người dân. Theo dữ liệu từ ngân hàng Nhà nước, nhu cầu vay mua nhà, sửa chữa nhà cửa của người dân đã sụt giảm trong nửa đầu năm, trong khi năm ngoái cho vay người mua nhà tăng đến 30%.
Nói về nhu cầu vay mua nhà sửa chữa nhà cửa sụt giảm thời gian qua có nhiều lý do: do nguồn cung mới bất động sản hạn chế, nhiều khoản vay cũ đến hạn tất toán và cũng phải nói là lãi suất thời gian qua cũng chưa thật sự hấp dẫn người dân.
Kỳ vọng sự ổn định của mặt bằng lãi suất
Bà Hồ Thị Thu Mai, TGĐ Nhà ở ngay Việt Nam: Lãi suất 8% mới nghe thì thích nhưng được mấy tháng đâu, loay hoay đã hết thời hạn hỗ trợ ưu đãi, sau đấy nhảy lên 13,5 – 14,5% thì lãi suất đấy cũng khó, không phải là hấp dẫn vì những người mua nhà ở thật thường là những người làm công ăn lương thì thu nhập của họ để trang trải lãi suất ngân hàng, như vậỵ cũng khó và nếu có vay thì họ vay cũng rất ít.
TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội động Tư vấn chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia: Nếu phải đi vay thì mức lãi suất vẫn còn tương đối cao và người ta còn đang băn khoăn, bấp bênh về thu nhập trong tương lai, họ sẽ chủ động nguồn vốn của mình hơn. Bài học về đòn bẩy tài chính đã để lại nhiều bài học quý giá cho cả nhà đầu tư và các công ty kinh doanh bất động sản.
Tăng nguồn cung bất động sản khi hạ lãi suất
Thông tư 06 sẽ không chỉ giải quyết bài toán về mặt lãi suất cho người mua nhà mà còn giúp tháo được 1 nút thắt quan trọng khác trên thị trường bất động sản đó tăng nguồn cung cho thị trường.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Phương Đông, cho biết: “Cơ hội tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp chủ đầu tư sẽ tăng lên, điều này sẽ kích thích doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vay vốn để thực hiện dự án khi mức lãi suất loanh quanh mức 10%, dưới 10%. một khi chính sách lãi suất giảm thì rõ ràng giá vốn đầu vào của các chủ đầu tư giảm theo. Chi phí tài chính của doanh nghiệp gắn vào sản phẩm sẽ giảm”.
Không chỉ bất động sản, nhiều nhu cầu vay trong nền kinh tế đang chờ được tiếp cận tín dụng… Vậy nên chính sách mới, khi tạo ra một mặt bằng lãi suất thấp hơn thì có thể giúp kích thích nhu cầu tiêu dùng và thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Điều quan trọng, là giờ các ngân hàng cần nhanh chóng có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn, để quy định này được áp dụng trên toàn bộ hệ thống.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...