Nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng tại Miền Bắc
Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, theo EVN, miền Bắc là khu vực duy nhất trên cả nước có tăng trưởng tiêu thụ điện vượt quá tốc độ tăng trưởng công suất nguồn trong giai đoạn 2016 – 2020. Trong tháng 6/2023 vừa qua, miền Bắc cũng chưa đáp ứng được toàn bộ công suất đỉnh yêu cầu, dẫn tới tình trạng thiếu điện và cắt điện luân phiên.
Trong khi đó, tính đến tháng 6/2023, thủy điện và nhiệt điện hiện vẫn chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng công suất lắp đặt tại miền Bắc. Tuy nhiên, trước diễn biến của pha El Nino, nguồn cung thủy điện bị ảnh hưởng do nắng nóng khiến mực nước tại các hồ thủy điện giảm dưới mức dâng bình thường (thậm chí dưới mực nước chết).
Bên cạnh đó, nguồn cung nhiệt điện cũng bị ảnh hưởng do một số tổ máy tại các nhà máy nhiệt điện gặp sự cố vận hành trùng với thời gian các hồ thủy điện phía Bắc không còn nước; lý do cho việc này là EVN đã cắt giảm chi phí sửa chữa lớn theo định mức từ 10% – 50% do không cân đối được nguồn vốn.
Theo MBS, nhu cầu phụ tải liên tục tăng cao trong khi vị trí địa lý không thuận lợi để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo khiến miền Bắc có thể đối mặt với nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng trong tương lai.
“EVN dự báo nhu cầu sử dụng điện tại miền Bắc năm 2024 tiếp tục tăng khoảng 10% (tương đương mức tăng công suất yêu cầu ~ 1.600MW), trong khi, chưa có nguồn điện mới nào được bổ sung ở khu vực này. Chúng tôi cho rằng, việc cung ứng điện tại miền Bắc vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn, ít nhất đến hết năm 2025 nếu không có bước tiến trong các dự án mới để tăng công suất”, MBS nhận định.
MBS cho rằng, sự trái ngược trong chênh lệch nguồn điện và tải điện tại miền Bắc và miền Trung dẫn đến nhu cầu truyền tải điện ra miền Bắc tăng cao. Hiện tại, đã có hai đường dây 500 kV là mạch 1 & 2 đã hoàn thành và thực hiện truyền tải điện từ Nam ra Bắc.
Trong khi đó, Dự án đường dây 500 kV mạch 3 đoạn Vũng Áng – Quảng Trạch – Dốc Sỏi – Pleiku 2 đã hoàn thiện vào tháng 8/2022 và nâng công suất truyền tải điện giữa miền Nam và miền Trung, tuy nhiên, dự án này vẫn chưa thực hiện đoạn truyền tải ra miền Bắc.
Theo báo cáo của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia EVNNPT, trong tháng 6/2023, có tới 4/34 đoạn của đường dây 500 kV vận hành tải cao trên 80% và mức cảnh báo tại khu vực miền Bắc do nhu cầu tải điện từ Trung ra Bắc cao. Các đường dây này bao gồm: 571 T500 Hà Tĩnh – 571 T500 Vũng Áng; 584 NMĐ Nghi Sơn 2 – 571 & 572 Nho Quan; 572 T500 Nghi Sơn – 581 & 582 T500 Hà Tĩnh 2 (2 mạch).
“Nếu tình trạng truyền tải vượt quá mức giới hạn kéo dài sẽ gây nguy cơ rã lưới và ảnh hưởng đến việc cấp điện cho cả hệ thống. Điều này dẫn đến nhu cầu cấp thiết trong việc hoàn thiện dự án đường dây 500 kV mạch 3 kéo dài (Quảng Trạch – Phố Nối) nhằm tăng cung điện từ ra miền Bắc”, MBS đánh giá.
Những doanh nghiệp nào sẽ được hưởng lợi?
Để cải thiện công suất truyền tải điện ra miền Bắc, Chính phủ đặt mục tiêu sẽ hoàn thiện dự án đường dây 500 kV mạch 3 kéo dài trong năm 2024. Dự án có tổng chiều dài ước tính khoảng 514 km kéo dài từ nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch (Quảng Bình) tới Phố Nối (Hưng Yên), với tổng mức đầu tư khoảng 23.000 tỷ đồng.
Đây là dự án quan trọng trong cung ứng điện nói chung và truyền tải điện của Việt Nam nói riêng. Việc hoàn thiện dự án sẽ giúp tăng công suất truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc từ 2.200 MW lên 5.000 MW. Dự án bao gồm 4 dự án thành phần đã được đưa vào phụ lục Quy hoạch Điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 5/2023 vừa qua.
Theo MBS, một số đơn vị có thể hưởng lợi từ dự án. Theo kế hoạch ban đầu, dự án này sẽ được đưa vào vận hành trong giai đoạn 2025-2026, tuy nhiên, trước tình hình căng thẳng về cung ứng điện cho miền Bắc hiện tại, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ dự án và phải hoàn thành vào tháng 6/2024. Tính tới thời điểm hiện tại, dự án chỉ còn 10 tháng để thực hiện – một khoảng thời gian rất ngắn so với các dự án đường dây 500 kV trước đó.
Trước chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, MBS cho rằng, dự án đường dây 500 kV mạch 3 kéo dài sẽ sớm được khởi công, mặc dù có thể không đúng với thời gian khởi công kỳ vọng (tháng 9/2023). Sau khi hoàn thành các thủ tục để khởi công, các công việc chính cần được triển khai nhanh và quyết liệt ngoài giải phóng mặt bằng (tốn nhiều thời gian nhất) sẽ bao gồm: tư vấn, cung cấp nguyên vật liệu – thiết bị và thi công xây lắp – nghiệm thu.
“Bên cạnh các đơn vị tư vấn đã được chỉ định cho từng dự án thành phần như TV2, TV1, TV4, chúng tôi cho rằng, các đơn vị có năng lực tốt trong lĩnh vực cung cấp nguyên vật liệu và thi công xây lắp công trình điện như PC1, CTR và VNE cũng sẽ là những đơn vị đảm nhận tiềm năng cho các khâu còn lại của dự án”, MBS nhận định.