Theo TS Cấn Văn Lực, ngay cả khi kinh tế thế giới sớm phục hồi và khai thác được các động lực tăng trưởng mới thì tăng trưởng GDP Việt Nam 2023 chỉ đạt từ 6 – 6,5%.
Chiều 19/9, phát biểu tại phiên toàn thể của Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam 2023, TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV tập trung vào dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Ông Lực, nền kinh tế nước ta cũng phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức và hạn chế, trong đó rủi ro và thách thức từ bối cảnh quốc tế vẫn hiện hữu và có thể kéo dài; hoạt động thương mại quốc tế còn khó khăn, còn giảm dù mức giảm đã chậm lại…
Trong 8 tháng đầu năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản luôn là bệ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và là mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam. Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng (dù chậm hơn) và là động lực tăng trưởng quan trọng trong bối cảnh khu vực công nghiệp và xây dựng còn khó khăn. Khu vực công nghiệp và xây dựng gặp nhiều khó khăn từ quý III/2022 nhưng đã có nhiều tín hiệu phục hồi từ cuối quý II/2023.
Đáng chú ý, TS Cấn Văn Lực đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023. Trong đó cả 3 đều dự báo, tăng trưởng GDP năm 2023 đều thấp hơn mục tiêu 6,5% mà Chính phủ đặt ra. Cụ thể, tăng trưởng GDP năm 2023 dự báo theo kịch bản cơ sở là 5,2 – 5,5%. Với kịch bản tiêu cực là kinh tế thế giới suy thoái nặng hơn, tận dụng được ít các cơ hội từ các động lực tăng trưởng mới, tăng trưởng dự báo là 4,4 – 4,5%.
“Với kịch bản tích cực là kinh tế thế giới sớm phục hồi và khai thác được các động lực tăng trưởng mới, như chuyển đổi số, đẩy mạnh liên kết vùng với việc thúc đẩy 2 động lực chính là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tăng trưởng có thể đạt 5,5-6%”, ông Lực đánh giá.
Đối với năm 2024 và 2025, theo kịch bản cơ sở, dự báo tình hình kinh tế thế giới từng bước phục hồi, lạm phát được kiềm chế và dần về mức dưới 3% năm 2025, khi đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo đạt khoảng 6% năm 2024 và 6,5% năm 2025.
“Trong thời gian tới, cơ hội và thách thức đan xen, muốn lấy lại đà phát triển nhanh và bền vững đòi hỏi cần thực hiện nhiều chính sách, giải pháp vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng chống chịu, củng cố các động lực tăng trưởng truyền thống vừa tạo không gian đủ rộng để khai thác hiệu quả các mô hình, động lực tăng trưởng mới, cho cả trước mắt và lâu dài”, TS Cấn Văn Lực đề xuất.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường chính sách công và quản lý Fulbright Việt Nam
Cũng về dự báo tăng trưởng GDP, tại diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường chính sách công và quản lý Fulbright Việt Nam đánh giá ngay cả khi không có nhiều thay đổi về cơ cấu kinh tế và phát huy được tác động tích cực của một số động lực tăng trưởng mới thì việc đạt mục tiêu GDP tăng trưởng bình quân 6,5% trong giai đoạn 2021-2025 là vô cùng khó khăn.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kinh tế 6 tháng đầu năm tăng 3,72%. Để đạt mục tiêu GDP tăng 6,5% năm nay, hai quý cuối năm phải đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 9%.
Trong khi đó, ông Alexander Bohmer – Trưởng Ban Hợp tác và Quan hệ toàn cầu, Khu vực Nam Á và Đông Nam Á, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tại Pháp cho biết OECD dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay dự báo gặp khó khăn nên hạ dự báo GDP xuống 4,9%, dự kiến tăng lên 5,9% vào năm 2024.
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra, kinh tế 6 tháng đầu năm nay tăng 3,72% – thấp nhất trong 12 năm trở lại đây. Để đạt mục tiêu GDP tăng 6,5% năm nay, hai quý còn lại tăng trưởng phải đạt khoảng 9%.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...