Tuy nhiên, không phải các hãng đều tăng trưởng theo xu thế chung của thị trường. Cụ thể, Samsung tuy vẫn duy trì dẫn đầu nhưng lượng hàng xuất xưởng quý 1/2024 chỉ đạt 60,1 triệu chiếc, giảm 0,7% so với mức 60,5 triệu máy trong quý 1/2023. Sụt giảm số lượng xuất xưởng trong khi tổng thị trường tăng trưởng nên thị phần Samsung đã giảm từ mức 22,5% trong quý 1/2023 xuống còn 20,8%.
Apple cũng rơi vào tình trạng tương tự nhưng nghiêm trọng hơn khi lượng xuất xưởng giảm đến 9,6%, từ 55,4 triệu chiếc của quý 1/2023 xuống còn 50,1 triệu chiếc trong quý 1/2024. Điều đó khiến cho thị phần trong cùng giai đoạn giảm từ 20,7% xuống còn 17,3%.
Trong khi đó, 2 hãng Trung Quốc là Xiaomi và Transsion (nắm giữ các thương hiệu như Techno, Itel, Infinix…) lại tăng trưởng mạnh mẽ lần lượt ở mức 33,8% và 84,9%. Nhờ đó, Xiaomi đang dần rút ngắn khoảng cách thị phần với hãng cận trên là Apple.
Ông Ryan Reith, Phó chủ tịch phụ trách đánh giá thị trường thiết bị tiêu dùng và di động toàn cầu của IDC, nhận định: "Đúng như dự đoán, sự phục hồi của thị trường smartphone tiếp tục diễn ra với sự lạc quan về thị trường đang dần được xây dựng giữa các thương hiệu hàng đầu. Trong khi Apple cố gắng giành lấy vị trí dẫn đầu vào cuối năm 2023 thì Samsung đã tái khẳng định vị trí ngay trong quý đầu tiên của năm 2024". Trong khi IDC kỳ vọng 2 công ty này sẽ duy trì vị thế ở phân khúc cao cấp trên thị trường, thì thị trường lại chứng kiến sự trỗi dậy của Huawei tại Trung Quốc, cũng như những ưu thế đáng chú ý từ Xiaomi, Transsion, OPPO/OnePlus và Vivo.
Bà Nabila Popal, Giám đốc nghiên cứu của IDC, nhận định: "Chúng tôi tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng về giá trị và giá bán trung bình (ASP) khi người tiêu dùng lựa chọn các thiết bị đắt tiền hơn vì biết rằng họ sẽ giữ thiết bị của mình lâu hơn. Thứ hai, có sự thay đổi quyền lực giữa 5 công ty hàng đầu, điều này có thể sẽ xảy ra". "Trong khi top 2 công ty đều có mức tăng trưởng âm trong quý đầu tiên, có vẻ như Samsung đang ở vị thế mạnh hơn về tổng thể so với các quý gần đây", bà Popal nhận định.