Cổ phiếu trên hàng loạt các thị trường châu Á – Thái Bình Dương đều tăng khi dữ liệu lạm phát của Mỹ thấp hơn dự kiến.
Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia tăng 0,85% sau khi Chính phủ nước này bổ nhiệm Phó Thống đốc Michele Bullock làm Thống đốc của Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA- ngân hàng Trung ương), thay thế ông Philip Lowe. Bà Michele Bullocklà người phụ nữ đầu tiên đảm nhận cương vị này.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,23%, trong khi chỉ số Topix giảm nhẹ 0,09%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 1,21%, dẫn đầu mức tăng trong khu vực.
Chỉ số Hang Seng của Hong Kong đã tăng 0,57% trong giờ giao dịch đầu tiên của ngày làm việc trong tuần, tiếp đà tăng vào hôm qua thứ Năm 13/7. Tại Trung Quốc đại lục, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,15% trong khi Shenzhen Component giảm 0,1%.
Trong khi đó, đêm qua theo giờ Mỹ, cả ba chỉ số chính đều ghi nhận ngày tăng thứ tư liên tiếp, với S&P 500 và Nasdaq Composite đóng cửa ở mức cao nhất trong hơn một năm.
S&P 500 tăng 0,85%, trong khi Dow Jones tăng 0,14%. Nasdaq Composite tăng mạnh nhất 1,58%.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá sản xuất tháng 6 chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ 2022, thấp hơn mức dự báo 0,2% và là mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 8 năm 2020.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 6 tăng thấp hơn dự kiến cho thấy lạm phát tại Mỹ tiếp tục dịu đi.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ đã tăng 3,0% so với một năm trước, giảm mạnh so với mức tăng 4% vào tháng 5.
Dữ liệu mới nhất đánh dấu lạm phát tại Mỹ đã giảm liên tục trong 12 tháng qua sau khi chạm đỉnh 9,1% vào tháng 6 năm ngoái và là mức tăng nhỏ nhất trong hơn 2 năm. Đà giảm của lạm phát chủ yếu do giá năng lượng và các mặt hàng tạp hoá giảm. Giá xăng tăng 0,8% trong tháng 6 nhưng đã giảm 26,8% so với một năm trước.
Nhiều chuyên gia đánh giá, chỉ số giá sản xuất và giá tiêu dùng đều tăng thấp hơn dự kiến là bằng chứng rõ ràng cho thấy lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt và chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã phát huy tác dụng.
Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF cho biết tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm lại
IMF cho biết tăng trưởng ở Trung Quốc đang chậm lại do đầu tư tư nhân yếu hơn cũng như xuất khẩu chậm lại và nhu cầu nội địa giảm.
Người phát ngôn IMF, Julie Kozak, cho biết: “Gần đây, đà tăng trưởng ở Trung Quốc đang chậm lại, phần lớn là do đầu tư tư nhân yếu hơn dự kiến”.
“Bức tranh tổng thể về tăng trưởng ở Trung Quốc là một nền kinh tế đang chậm lại và điều đó phù hợp với dự báo mà chúng tôi đã đưa ra hồi tháng Tư”, bà Julie Kozak nói thêm.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...