Những điểm sáng từ các doanh nghiệp đầu ngành, triển vọng từ các ngân hàng là “trụ cột” lợi nhuận đang dần vẽ nên bức tranh kết quả kinh doanh có thêm nhiều gam màu sáng.
Lợi nhuận quý 3 tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ
Dù có nhiều thông tin tác động đến thị trường chứng khoán thời gian qua nhưng kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp vẫn là tâm điểm, cho nhà đầu tư thấy rõ nội tại tình hình kinh doanh, khả năng tăng trưởng của các doanh nghiệp trên Sàn.
Trái ngược với gam màu tối của hai quý đầu năm, theo thống kê mới nhất từ Fiin Group, lợi nhuận sau thuế quý 3 của hơn 951 doanh nghiệp và ngân hàng đã công bố là một con số tích cực, tăng trưởng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến đây đang là quý đầu tiên tăng trưởng dương so với cùng kỳ trong 3 quý gần nhất. Xu hướng lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp đang dần tích cực, tuy nhiên vẫn có sự phân hóa giữa các nhóm ngành.
Lợi nhuận doanh nghiệp “đi lên” theo quý
Mức tăng trưởng lợi nhuận quý 3 của các doanh nghiệp đến thời điểm hiện tại 0,3% khá là mỏng manh bởi chỉ cần có thêm 1 vài doanh nghiệp báo cáo kết quả không tốt, mức tăng trưởng dương này có thể về âm. Lý do là bởi sự phân hóa rất lớn về lợi nhuận giữa các nhóm ngành.
Nhóm dầu khí có mức tăng trưởng lợi nhuận tới hơn 800%, điển hình như BSR ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 3.300 tỷ đồng, gấp gần 7 lần so với cùng kỳ năm trước hay PVOil vẫn báo lãi sau thuế hơn 200 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 400 tỷ đồng. PLX cũng ghi nhận lãi gấp 4 lần quý 3 năm ngoái. Các doanh nghiệp chủ yếu lãi lớn do giá vốn giảm mạnh, giá dầu phục hồi.
Ngược lại, ngành bán lẻ lại vừa trải qua quý 3 rất ảm đạm, toàn ngành sụt giảm trên 70% lợi nhuận: FRT: giảm 99%, MWG: giảm 87%, cá biệt có FRT giảm tới 99% lợi nhuận so với cùng kỳ, cả quý vừa rồi họ lãi 1 tỷ đồng hay “ông lớn” bán lẻ MWG cũng bám đuổi sát nút với mức giảm lợi nhuận 87%. Tuy nhiên, lợi nhuận của ngành này không chiếm trọng số lớn trong tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, nên mức độ ảnh hưởng cũng chỉ mang tính cục bộ.
Trong khi đó, xét qua từng quý, lợi nhuận toàn thị trường đang có sự chuyển biến tích cực: quý 1/2023 giảm 26%; quý 2/2023 giảm 16%, quý 3/2023 tăng 0,3% từ mức sụt giảm hơn 26% trong quý 1, xuống 16% trong quý 2 và quý 3 tính đến thời điểm hiện tại đang tăng trưởng trở lại.
Bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm Phân tích Dữ liệu, Khối Dịch vụ Thông tin Tài chính FiinGroup, cho biết: “Mức tăng trưởng này trong điều kiện bình thường thì gần như là không có tăng trưởng, tuy nhiên, trong bối cảnh lợi nhuận doanh nghiệp suy giảm liên tiếp 3 quý trước đó thì mức tăng này rất đáng khích lệ. Đây là lần đầu tiên sau 3 quý lợi nhuận lại cao hơn cùng kỳ. Đặc biệt với dầu khí và thép có sự đảo chiều đột biến từ suy giảm sang tăng trưởng, ở giai đoạn hiện tại gần như họ đã trải qua đáy của chu kỳ lợi nhuận rồi”.
Còn đối với các nhóm ngành chưa “thoát khỏi” xu hướng giảm lợi nhuận như: Bán lẻ, hóa chất,.. có thể sẽ cần thêm thời gian, tuy nhiên điều này không tác động nhiều đến bức tranh chung bởi theo các chuyên gia, các nhóm ngành mang tính “trụ cột”, như ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, tài nguyên cơ bản… đang có nhiều triển vọng trong các quý tới.
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó TGĐ, Công ty TNHH Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank, nhận định: “Chúng ta nhìn thấy lợi nhuận doanh nghiệp đã bắt đầu tăng trưởng trở lại, nếu không có gì bất ngờ xảy ra, quý 1 năm sau chúng ta sẽ chứng kiến sự tăng trưởng lợi nhuận rất mạnh bởi quý 1 năm nay nền rất thấp và thứ 2, một số doanh nghiệp như ngành ngân hàng, trải qua mức lãi suất cao thì đến quý 1 năm sau thì biến lợi nhuận sẽ được cải thiện, nợ xấu được kiểm soát, lợi nhuận sẽ tăng mạnh, giống như thời COVID-19”.
Hãng tin Bloomberg mới đây còn đưa ra dự báo, mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 30%, riêng quý 1, nhiều doanh nghiệp có thể tăng trưởng 100% từ mức nền thấp của năm nay.
Nhóm trụ cột là Ngân hàng, chiếm khoảng 46% tổng lợi nhuận toàn thị trường. Thời điểm này năm ngoái, mức tăng trưởng lợi nhuận quý 3 của nhiều ngân hàng được công bố tăng ấn tượng, lên tới 30-40%, thậm chí có ngân hàng mức tăng tới 86% so với cùng kỳ năm trước. Chính vì mức nền khá cao này nên việc duy trì đà tăng trưởng với nhóm “nhà băng” là không dễ dàng, bức tranh quý 3 đang có 2 gam màu sáng – tối rõ rệt.
Sức khỏe các doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết đầu ngành
Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 10 mới chỉ đạt 7,1%. Ông Nguyễn Xuân Thành – giảng viên Đại học Fulbright, cho biết: “Vấn đề là mức hấp thụ của nền kinh tế lẫn điều hành. Trong bối hiện nay, chúng ta khó khăn cả phía bên ngoài là xuất khẩu không tăng nên nhu cầu vay vốn lưu động không cao, trong nước thì sức mua cũng thấp”.
Biên lãi ròng khi cho vay của các ngân hàng cũng đã giảm 0,4% trong 9 tháng. Cộng thêm nợ xấu tăng lên trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều thách thức, áp lực dự phòng gia tăng đã góp phần làm bức tranh lợi nhuận ngân hàng không như kỳ vọng.
Kết quả kinh doanh ngành ngân hàng có sự phân hóa, trong khi TPB giảm 26,3%; TCB giảm 17,8% so với cùng kỳ…, một số ngân hàng vẫn có mức tăng ấn tượng: 34,9% của STB, VCB 19,9%, CTG 17,3%…
Ở nhóm bán lẻ thực phẩm, giai đoạn từ đầu năm 2023 cũng không dễ dàng, tuy nhiên 1 số sự phục hồi cũng đã được ghi nhận. Ví dụ như tại Masan, trong quý 3, mảng kinh doanh tiêu dùng của doanh nghiệp tăng 47,3% so với cùng kỳ năm 2022. Nhóm siêu thị mini ghi nhận quý thứ hai liên tiếp có lợi nhuận sau thuế dương. Bên cạnh đó, những “đồn đoán” về đối tác lớn cũng đã được giải tỏa.
Ông Danny Le, Tổng giám đốc, CTCP Tập đoàn Masan, cho biết: “Trên tinh thần đối tác dài hạn, đối với phần vốn sở hữu của SK Group tại Masan, đôi bên đã thống nhất hợp tác cùng nhau để triển khai một lộ trình nhiều năm giúp tối đa hóa giá trị cho cổ đông của cả hai doanh nghiệp. Masan tiếp tục là đối tác dài hạn với khoản đầu tư 1,5 tỷ USD trên nhiều lĩnh vực”.
Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng, CTCP Chứng khoán SSI, nói: “SK Chemical (SKC), công ty con của SK Group, vừa công bố đầu tư 1 dự án 500 triệu USD tại Hải Phòng. Các tập đoàn Hàn tiếp tục đầu tư vào VN là 1 xu hướng rõ ràng, Samsung mới đây cũng tuyên bố ở Việt Nam thêm nhiều thập kỷ nữa với những khoản đầu tư và điện tử và chất bán dẫn”.
Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng đã công bố tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất Quý III/2023 đạt lần lượt 15.681 tỷ đồng và 2.533 tỷ đồng tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức cao nhất kể từ sau Quý III/2021. Tình hình kinh doanh ghi nhận điểm nhấn ở mảng xuất khẩu tăng 5% nhờ sự phục hồi tích cực từ một số thị trường có tình hình ổn định hơn so với 6 tháng đầu năm. Một tín hiệu khả quan khác đến từ Trung Quốc, sau khi Vinamilk ký thỏa thuận hợp tác với hai doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nhập khẩu – phân phối để đưa sản phẩm sữa vào thị trường tỷ dân này.
Những điểm sáng từ các doanh nghiệp đầu ngành, triển vọng từ các ngân hàng vốn là “trụ cột” lợi nhuận đang dần vẽ nên bức tranh kết quả kinh doanh có thêm nhiều gam màu sáng. Điều này cũng thể hiện sức chống chịu và khả năng thích nghi của các doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều thách thức, đặc biệt là các yếu tố ngoại biên, như: lãi suất, giá dầu và sức khỏe của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Kết quả này cũng sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong quý còn lại của năm nay.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...