Sáng 6/11, Quốc hội mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành về giám sát chuyên đề với các lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng.
Nhu cầu vay thấp
Tham gia chất vấn, đại biểu Trần Thị Thanh Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho biết, việc hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội là một chủ trương rất nhân văn của Đảng và Nhà nước được cử tri và đông đảo người dân phấn khởi và kỳ vọng. Tuy nhiên, đến nay gói hỗ trợ tín dụng 120.000 tỷ đồng với loại hình nhà ở này mới chỉ giải ngân được khoảng 100 tỉ đồng.
Đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết khó khăn, vướng mắc và giải pháp để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới?
Trả lời đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội với người thu nhập thấp, công nhân với mục tiêu có 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội tới 2030. Nguồn tiền cho gói tín dụng này đến từ nguồn huy động tín dụng trong dân, với lãi suất ưu đãi từ nguồn tài chính của các ngân hàng tham gia.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, khi chính sách này được ban hành, Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn các nhà băng và đề nghị UBND các tỉnh quan tâm, công bố dự án thuộc chương trình cho vay.
Các ngân hàng cũng đưa ra quy trình nội bộ để triển khai gói tín dụng này. Hiện có 18/63 UBND gửi văn bản công bố dự án tham gia chương trình, 53 dự án với nhu cầu vay 27.000 tỷ đồng. Các ngân hàng đã giải ngân được 105 tỷ đồng cho 3 dự án tại 3 địa phương, tới cuối tháng 10.
Nêu nguyên nhân khiến gói này hạn chế, bà Nguyễn Thị Hồng cho hay, trước tiên do nguồn cung về nhà thuộc đối tượng vay – lao động thu nhập thấp, hạn chế. Nhu cầu nhà ở lớn, nhưng nhu cầu vay để mua nhà thì họ cần cân nhắc kỹ.
Bên cạnh đó, điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội còn bất cập, như: quy định về thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân, chưa có nhà ở. Gói vay này thực hiện 10 năm, trong khi cho vay bất động sản thường kéo dài và giải ngân theo thời gian, nên đạt thấp.
Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị, mong UBND tỉnh sớm công bố các dự án thuộc chương trình để các ngân hàng triển khai; và phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh thực hiện.
Tranh luận sau đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí – ĐBQH đoàn TP.Hà Nội nhận xét Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn THị Hồng trả lời đúng.
Tuy nhiên đại biểu bổ sung thêm là không chỉ cần ngân hàng vào cuộc mà cần cả hệ thống, gồm Bộ Xây dựng, địa phương, công đoàn, các cơ quan, đơn vị và người lao động từ bố trí địa điểm, diện tích, chất lượng, mức giá. Từ đó, theo ông, mới đáp ứng yêu cầu người lao động và thực hiện được chủ trương theo ông là đúng và nhân văn của Chính phủ.
“Mong Thủ tướng chỉ đạo để đạt được thống nhất, cùng nhau làm thì mới thành công”, ông Nguyễn Anh Trí bày tỏ.
Người dân chưa mặn mà thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam
Cũng trong phần chất vấn của mình, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương đã đặt câu hỏi về giải pháp để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam.
Trả lời vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua, có nhiều giải pháp được đưa ra, như rà soát hành lang pháp lý, sửa đổi, bổ sung, tạo thuận lợi cho việc này. Đến nay, nhiều hoạt động được thực hiện qua các kênh số, ứng dụng công nghệ, bảo đảm an toàn hoạt động thanh toán.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt trong 9 tháng qua tăng trưởng cao như: tỉ lệ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 49% về số lượng, giao dịch qua internet tăng 60,3%, qua kênh điện thoại di động tăng 60,8%, qua QR code tăng 105%…
Giao dịch qua ATM giảm cho thấy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt tăng. Tháng 9/2023, thanh toán tiền mặt trên tổng thanh toán giảm 9,17% so với mức 11,73% so với 2020 cho thấy kết quả đáng kể.
Về khó khăn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, như thói quen, tâm lí sử dụng tiền mặt, tâm lý e ngại khi tiếp cận công nghệ mới trong thanh toán, xu hướng tội phạm công nghệ cao khiến người dân chưa mặn mà.
“Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát các văn bản và phối hợp các cơ quan để hoàn thiện hành lang pháp lý và có các biện pháp phòng ngừa để bảo mật thông tin, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách hàng, tăng cường thông tin truyền thông”, bà Nguyễn Thị Hồng nói.
Duy trì chỉ tiêu tín dụng có tạo cơ chế xin cho và nảy sinh tiêu cực?
Chất vấn về “tăng trưởng tín dụng”, đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương nhắc lời hứa “bỏ ‘room’ tín dụng”. Ông dẫn Nghị quyết Quốc hội yêu cầu nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng với các ngân hàng và đề nghị cho biết đã triển khai đến đâu.
Trả lời vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Nghị quyết Quốc hội yêu cầu nghiên cứu cách thức điều hành này nhưng Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất “ở thời điểm này chưa thể bỏ cách điều hành phân bổ chỉ tiêu tín dụng”.
Bởi hiện nay nhu cầu vốn nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng, chưa thể bỏ chỉ tiêu “room” tín dụng trong khi tỷ lệ tăng trưởng tín dụng Việt Nam trên GDP đang ở mức cao theo cảnh báo của WB.
“Chúng tôi tiếp tục điều hành bằng cách này đến khi các phân khúc khác của thị trường tài chính như trái phiếu doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu, việc bỏ cách điều hành phân bổ chỉ tiêu tín dụng sẽ khả thi hơn”, Thống đốc cho hay.
Không đồng tình với trả lời của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, đề nghị cho biết liệu duy trì chỉ tiêu tín dụng có tạo cơ chế xin cho và nảy sinh tiêu cực hay không và khi nào mới bỏ được.
Được biết, chiều nay Quốc hội sẽ tiếp tục tiến hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn đối với các thành viên Chính phủ, trưởng ngành về giám sát chuyên đề với các lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng./.
Nguồn: toquoc.vn
Đang gửi...