Được sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), UBND TP Hải Phòng, UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh Hưng Yên, UBND tỉnh Hải Dương; Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Ban Pháp chế VCCI, Sở KHĐT Hải Phòng, Ban Quản lý KKT, KCN các tỉnh thành Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên phối hợp tổ chức Diễn đàn “Liên kết phát triển Khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông” tại Trung tâm hội nghị TP Hải Phòng, chiều 31/08/2023.

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (CIEM) cho rằng, trục phát triển dọc cao tốc phía Đông có nhiều điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển mô hình vùng “Đô thị sáng tạo” với hệ thống các KCN dọc 4 tỉnh/thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên. Sự kết nối vùng “Đô thị sáng tạo” này sẽ tận dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo sức mạnh tổng hợp, lan tỏa trong bối cảnh mới; tạo ra không gian phát triển rộng lớn, năng động với việc kết hợp khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các địa phương trên trục, tối đa hóa năng suất của chuỗi cung ứng địa phương. Các KCN dọc trục sẽ tận dụng lợi thế của nhau, tận dụng lợi thế của chuỗi kết nối giao thông quan trọng với một đầu là thủ đô Hà Nội và một đầu là cửa khẩu Móng Cái, giao thương với thị trường Trung Quốc.

Trên thực tế, tại 4 tỉnh trục cao tốc phía Đông, các KCN đang ở giai đoạn chuyển tiếp từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2, tức là chuyển dần từ tận dụng số lượng lớn yếu tố đầu vào, như: vốn, lao động, tài nguyên sang giai đoạn sử dụng hiệu quả các yếu tố đầu vào. Bên cạnh đó, nhiều KCN đã chuyển sang giai đoạn 2, giai đoạn đạt ngưỡng hiệu quả do yếu tố đầu vào. Tại các tỉnh, thành có tỉ lệ đô thị hóa cao, nhiều KCN bước sang giai đoạn “hậu công nghiệp”, giai đoạn “dịch vụ hóa công nghiệp” hay giai đoạn đổi mới sáng tạo.

LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN KCN: Tiếp cận sinh thái và đổi mới sáng tạo

TS. Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (CIEM) tại Diễn đàn Liên kết phát triển KCN trục cao tốc phía Đông

Do vậy, TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh, để thích ứng với xu hướng chuyển đổi số, khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng đang diễn ra, việc phát triển công nghiệp bằng các mô hình KCN truyền thống không còn phù hợp, đổi mới sáng tạo để thích ứng là yêu cầu không thể khác. Tiếp cận sinh thái và đổi mới sáng tạo không chỉ là mô hình phát triển phù hợp cần hướng tới mà còn là mô hình tất yếu và then chốt đối với các KCN để nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo phát triển bền vững cho từng KCN, từng địa phương; tạo lực kéo cho thu hút đầu tư FDI.

Mô hình KCN sinh thái chỉ thực sự phát huy vai trò tích cực đối với với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước, với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan trong và ngoài nước. Bên cạnh các chính sách hiện hữu, cần có thêm các hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của các Bộ ngành và hướng dẫn về kỹ thuật từ các chuyên gia trong nước, quốc tế, đặc biệt đối với các mạng lưới cộng sinh công nghiệp và giải pháp kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, cũng cần bổ sung các chính sách ưu đãi về tài chính (như miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng) cho các KCN, khu sinh thái, doanh nghiệp sinh thái để khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện việc chuyển đổi và xây dựng mới KCN sinh thái.

Đối với các địa phương trên trục cao tốc phía Đông, TS. Trần Thị Hồng Minh cho rằng, các địa phương này có thể chia sẻ và trao đổi những mô hình mới với các cơ chế chính sách phù hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu hút đầu tư và tận dụng được những thành tựu trong bối cảnh mới và của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển dịch dần sang cách tiếp cận sinh thái và đổi mới sáng tạo để phát triển bền vững song hành với lợi ích kinh tế và trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.

Để hiện thực hóa mô hình này, các KCN cần chuyển dần từ thâm dụng lao động/đất đai/nguyên liệu đầu vào – vốn đang dần mất ưu thế và không còn phù hợp với xu thế, bối cảnh mới – sang các KCN quy tụ nhiều doanh nghiệp có năng lực đổi mới sáng tạo, tận dụng thành quả tri thức tại đô thị lớn và dẫn dắt như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh – TS. Minh chia sẻ.

Trong bối cảnh chuyển đổi số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững là xu hướng diễn ra mạnh mẽ; tiêu dùng bền vững, sức khỏe người lao động trở thành vốn quý của xã hội và chất lượng sống con người ngày càng được quan tâm, phát triển KCN sinh thái đang là mục tiêu của các nước công nghiệp trên thế giới, tiếp cận sinh thái và đổi mới sáng tạo để đáp ứng yêu cầu được xem như con đường tất yếu để bảo đảm tính cân bằng sinh thái trong phát triển kinh tế ở Việt Nam.

LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN KCN: Tiếp cận sinh thái và đổi mới sáng tạo

Diễn đàn Liên kết phát triển KCN trục cao tốc phía Đông

Trước đó, nhận thức được việc “xanh hóa” các đầu tàu sản xuất là các KCN trở thành yêu cầu tất yếu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UNIDO triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái tại 4 KCN gồm: KCN Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng), KCN Khánh Phú và KCN Gián Khẩu (Ninh Bình). Kết quả thực hiện thí điểm cho thấy việc sử dụng tài nguyên hiệu quả, sản xuất sạch hơn, tận dụng nguyên liệu đầu vào tốt hơn là những yếu tố rõ ràng nhất đối với các KCN được thí điểm chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái.

Một trong những định hướng đối với các doanh nghiệp trong KCN sinh thái là cộng sinh công nghiệp, theo đó, các doanh nghiệp cùng áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn để đạt kết quả tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng, hóa chất, chất thải, phế liệu và giảm phát thải ra môi trường. Do vậy, việc nhân rộng mô hình KCN sinh thái sẽ là cách thức để hiện thực hóa mục tiêu phát triển xanh và bền vững, phát triển kinh tế theo chiều sâu, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.

Với vị thế các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh,… nói riêng và các tỉnh thành khác của Việt Nam nói chung, đất đai là tài nguyên khan hiếm hoặc đang trở nên khan hiếm, nếu muốn duy trì nền công nghiệp bền vững trong tương lai, thì mô hình KCN sinh thái trong 10-20 năm tới phải là mô hình kiểu mẫu. Thực tế trong giai đoạn 2020-2023, Chính phủ Thuỵ Sỹ đang hỗ trợ 3 KCN tại TP HCM, Hải Phòng và Đồng Nai chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái theo khung quốc tế, hướng tới nhân rộng mô hình này trên cả nước.

Cá nhân tôi cho rằng, bên cạnh các chính sách hiện hữu, cần có thêm các hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của các Bộ ngành và hướng dẫn về kỹ thuật từ các chuyên gia trong nước, quốc tế, đặc biệt đối với các mạng lưới cộng sinh công nghiệp và giải pháp kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, cũng cần bổ sung các chính sách ưu đãi về tài chính (như miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng) cho các KCN, khu sinh thái, doanh nghiệp sinh thái để khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện việc chuyển đổi và xây dựng mới KCN sinh thái – TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, TS. Minh còn có lưu ý, đó là vấn đề phát triển KCN nói chung và KCN sinh thái nói riêng phải đóng góp trực tiếp và mạnh mẽ hơn trong tăng trưởng xanh, giảm phát thải và đặc biệt là phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Các KCN phải là nơi thuận lợi, thử nghiệm các không gian phát triển mới. Điểm quan trọng là duy trì sự kết nối và tránh để các KCN lặp lại theo mô hình sao chép của nhau, dẫn tới sự cạnh tranh quá mức thay vì sự hợp tác hiệu quả.