Cụ thể, liên quan tới phát triển đô thị theo mô hình TOD giữa TP.HCM với chính phủ Nhật Bản, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi giao Sở QH-KT, Sở KH&ĐT phối hợp Sở Ngoại vụ và các sở ngành thảo luận với JICA thúc đẩy hợp tác trong việc xây dựng các quy trình liên quan đến TOD. Trong đó, TP.HCM đề nghị JICA hợp tác thí điểm triển khai một dự án TOD cụ thể trên địa bàn TP.
Sau khi TP.HCM và JICA thống nhất dự án cụ thể, Sở Ngoại vụ chủ trì tham mưu UBND TP.HCM thành lập nhóm công tác chung giữa 2 bên để triển khai dự án.
Đặc biệt, qua rà soát quỹ đất, TP.HCM đã chọn và gợi ý khu vực dọc tuyến metro số 1, metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương), các tuyến đường vành đai và cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, TP.HCM xác định có khoảng 10.000 ha có thể khai thác theo mô hình TOD.
Về phía JICA cho biết, mô hình TOD là lĩnh vực đang được chính phủ Nhật Bản quan tâm đẩy mạnh tại Việt Nam. Do đó việc thành lập nhóm công tác chung là hết sức cần thiết để 2 bên cùng thảo luận cách thức tăng cường hợp tác hiệu quả và thực chất trong các dự án TOD dọc tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Bên cạnh vốn đầu tư công, nhóm công tác chung cũng sẽ thảo luận thêm về cách thức huy động vốn đầu tư tư nhân cho các dự án TOD.
Đáng chú ý, liên quan tới phát triển giao thông đô thị theo mô hình TOD, mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã gửi thư tới Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam trao đổi về ý tưởng xây dựng phương thức hợp tác mới nhằm huy động thêm nguồn lực phát triển quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị, quy hoạch phát triển giao thông công cộng, không gian ngầm đô thị và hạ tầng.
Về cơ sở để triển khai mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) xuất phát từ Nghị quyết 98 năm 2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM cho phép thành phố triển khai TOD dọc theo các dự án giao thông. Với cách thức này, TP.HCM bồi thường, thu hồi đất, điều chỉnh quy hoạch và tổ chức đấu giá hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để phát triển đô thị.
Trước đó, ngày 11/7/2023, kỳ họp giữa năm của HĐND TP.HCM bước sang ngày làm việc thứ 2 với nội dung chất vấn một số sở, địa phương và giám sát công tác đầu tư công. Trong đó, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm đã trả lời 2 vấn đề: định hướng phát triển kinh tế giao thông và mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD) mà Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù vừa thông qua.
Về quan điểm kinh tế giao thông, ông Lâm cho rằng đây là khái niệm mới được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đặt ra cho ngành giao thông thành phố. Việc đầu tư các dự án giao thông nếu chỉ chờ ngân sách như trước đây thì rất chậm, nên cách tiếp cận mới là ưu tiên đầu tư giao thông để phát triển kinh tế xã hội. UBND TP.HCM đã lập 2 tổ công tác bao gồm tổ TOD do Sở QH-KT chủ trì và tổ thực hiện Nghị quyết 98 mà Sở GTVT là thành viên.
Theo ông Lâm, Nghị quyết 98 cho phép TP.HCM điều chỉnh quy hoạch cục bộ, đầu tư hạ tầng để phát triển đô thị nén. Sở GTVT đang phối hợp các sở ngành rà soát quy hoạch các nút giao, vị trí liền kề nhà ga metro để xác định khu vực điều chỉnh quy hoạch, lập dự án thu hồi đất, tạo quỹ đất sạch để đấu thầu kêu gọi nhà đầu tư. Với cách này, TP.HCM sẽ phát huy được quỹ đất gắn với hạ tầng giao thông, người dân được thụ hưởng các tiện ích theo các khu đô thị mới.
Nêu một số khu vực cụ thể, ông Lâm thông tin TP đang chỉ đạo rà soát các tuyến: rạch Xuyên Tâm, kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên, Vành đai 3, các tuyến metro… để đánh giá hiện trạng đô thị, điều chỉnh quy hoạch cục bộ.