Xu hướng tất yếu của ngành năng lượng

Năng lượng tái tạo (NLTT) đang được xem là giải pháp và xu hướng tất yếu của ngành năng lượng hiện nay trên thế giới. Khi các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá ngày càng trở nên cạn kiệt, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, buộc các quốc gia trên thế giới phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành năng lượng theo hướng xanh, sạch và bền vững.

Năng lượng tái tạo: Giai đoạn phát triển tiếp theo sẽ có tính cạnh tranh lành mạnh hơn

Năng lượng tái tạo đang được xem là xu hướng tất yếu của ngành năng lượng – Ảnh: Đình Đại.

Phát triển nguồn NLTT đang dần chiếm vị trí quan trọng trọng sự phát triển kinh tế bền vững ở các nước, do lợi ích to lớn trong việc tận dụng tối đa nguồn thiên nhiên vô tận (như gió, mặt trời…), cũng như góp phần giảm tác động của hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu gây ra.

Theo nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đến năm 2025, NLTT sẽ trở thành nguồn sản xuất điện chính, cung cấp 1/3 lượng điện trên thế giới. Ước tính, công suất điện gió và quang điện sẽ vượt công suất của khí đốt vào năm 2023 và than đá vào năm 2024.

Tại Việt Nam, chính sách ưu tiên phát triển NLTT nhanh, bền vững càng được củng cố khi ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 55).

Theo đó, Nghị quyết 55 nêu rõ: Các nguồn điện NLTT tiếp tục được ưu tiên phát triển với tỉ lệ hợp lý, hài hòa giữa các miền, đảm bảo các tiêu chí kinh tế – kỹ thuật và vận hành, phù hợp với chương trình phát triển hệ thống điện tổng thể giai đoạn tới năm 2030. NLTT (không tính thủy điện) sẽ tăng từ mức khoảng 17.000 MW hiện nay lên tới 31.600 MW vào năm 2030, chiếm tỉ lệ khoảng 24,3% tổng công suất đặt toàn hệ thống.

Ngày 15/5 vừa qua, Chính phủ đã chính thức phê duyệt Quy hoạch Điện 8 (QHĐ 8) với dự kiến điện khí sẽ là nguồn điện mũi nhọn trong giai đoạn 2021 – 2030 với tăng trưởng kép đạt 26%, mức cao nhất trong số các nguồn điện.

Năng lượng tái tạo: Giai đoạn phát triển tiếp theo sẽ có tính cạnh tranh lành mạnh hơn

Bên cạnh đó, phát triển điện gió sẽ là mục tiêu quan trọng trong cả ngắn và dài hạn. Điện gió trên bờ dự kiến tăng trưởng kép 25% trong giai đoạn 2021 – 2030. Ngoài ra, Việt Nam sẽ có 6.000 MW điện gió ngoài khơi đầu tiên trong giai đoạn 2021 – 2030, sau đó sẽ bắt đầu phát triển mạnh mẽ hơn nguồn điện này với tăng trưởng kép đạt 15% trong giai đoạn 2030 – 2050.

Trong khi đó, đối với điện mặt trời. Sau giai đoạn phát triển ồ ạt từ năm 2020 – 2021, dự kiến tăng trưởng công suất điện mặt trời sẽ chậm lại từ nay đến 2030. Tuy nhiên, QHĐ8 vẫn khuyến khích phát triển không giới hạn điện mặt trời áp mái với mục đích tự tiêu thụ.

Nguồn điện chính trong dài hạn

Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, trong năm 2023 – 2024, tình trạng dư thừa công suất ở miền Nam sẽ dần được hấp thụ, hỗ trợ bởi tăng trưởng tiêu thụ điện cao hơn khi nhu cầu điện tại các trung tâm Công nghiệp trọng điểm tại khu vực này quay trở lại trạng thái tăng trưởng.

Bên cạnh đó, việc nâng cấp lưới truyền tải cũng sẽ giúp giảm thiểu tình trạng cắt giảm công suất của các nhà máy điện mặt trời. Tuy nhiên, việc cải thiện sản lượng điện NLTT sẽ không đáng kể vì về cơ bản các nhà máy đang được huy động gần tối đa tiềm năng.

Năng lượng tái tạo: Giai đoạn phát triển tiếp theo sẽ có tính cạnh tranh lành mạnh hơn

QHĐ8 vẫn khuyến khích phát triển không giới hạn điện mặt trời áp mái với mục đích tự tiêu thụ.

“Chúng tôi nhận thấy triển vọng thật sự của các doanh nghiệp NLTT nằm ở khả năng phát triển dự án, điều mà hiện tại vẫn chưa xảy ra do những vướng mắc về chính sách gía”, VNDirect cho biết.

Theo VNDirect, cập nhật đến ngày 16/6/2023, đã có 68/85 dự án NLTT chuyển tiếp với tổng công suất 3.791,86MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện. EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 55/59 dự án; trong đó, Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 51 dự án.

Có 11 dự án NLTT chuyển tiếp đã gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD), trong đó, có 10 dự án/phần dự án với tổng công suất 541,52MW đã hoàn thành thủ tục COD, được phát điện thương mại lên lưới với mức giá tạm được tính bằng 50% giả trần khung giá chuyển tiếp.

Theo VNDirect, giai đoạn phát triển tiếp theo của NLTT sẽ có tính cạnh tranh lành mạnh hơn. VNDirect cho rằng, giai đoạn phát triển tiếp theo của ngành NLTT dần được định hình khi Chính phủ đang triển khai hoàn thiện cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp (DPPA), cũng như xây dựng cơ chế đấu thầu cho dự án NLTT.

Điện NLTT dự kiến sẽ là nguồn điện chính trong dài hạn, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện năm 2050. Tuy nhiên, giai đoạn phát triển tiếp theo vẫn đang giậm chân tại chỗ do chưa có cơ chế giá rõ ràng. Việt Nam dự kiến sẽ áp dụng cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp (DPPA) cho khoảng 1.000MW điện NLTT.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu cần có giải pháp đột phá để khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái phục vụ tự tiêu, cũng như hoàn thiện cơ chế đấu thầu. Mặc dù hiện tại vẫn chưa thể nhận định khi nào chính sách sẽ được ban hành, giai đoạn phát triển tiếp theo của NLTT đang dần được hình thành. VNDirect vẫn kỳ vọng vào một cơ chế cạnh tranh hơn, nhưng vẫn đủ hấp dẫn để khuyến khích nhà đầu tư tham gia.

Trong giai đoạn đầu, VNDirect nhận thấy, các doanh nghiệp phát triển hạ tầng điện bao gồm xây dựng nhà máy và lưới điện như PC1, FCN, PVS, TV2 sẽ được hưởng lợi sớm nhất nhờ khối lượng công việc lớn theo QHĐ8.

“Ngoài ra, chúng tôi cho rằng những nhà phát triển điện NLTT hàng đầu, có khả năng đàm phán giá, tiềm lực tài chính và kinh nghiệm dồi dào trong ngành sẽ có lợi thế vươn lên trong giai đoạn này như BCG, GEG, REE”, VNDirect nhận định.