Tại phiên họp thứ 6 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nhiều giải pháp, nhiệm vụ với mốc tiến độ dự án cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ khởi công, thi công 25 dự án (75 dự án thành phần) quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu khởi công nhà ga Long Thành trong tháng 8/2023.
Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ là một trong những nguyên nhân quan trọng thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong thời gian qua. Đánh giá mới nhất về tiến độ giải ngân, Kho bạc Nhà nước đưa ra những dấu hiệu khởi sắc. So với cùng kỳ năm 2022, số giải ngân nguồn vốn đầu tư công thuộc kế hoạch năm 2023 tăng 60.090 tỷ đồng về giá trị; tăng 3,3% về tỷ lệ so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước.
Còn theo Tổng cục Thống kê, trong 3 tháng đầu năm, đầu tư công giải ngân khá chậm. Sang quý II, tiến độ giải ngân đã thực sự tăng tốc, ước đạt trên 140.400 tỷ đồng, tương đương gần 20% kế hoạch năm, tăng gần 53% so với quý trước và tăng gần 22% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công đạt 33% kế hoạch, tăng 20,5% so với 6 tháng đầu năm 2022.
So với những năm trước, con số kế hoạch cần giải ngân năm 2023 là rất lớn, cao hơn 33% so với năm 2022 và gấp đôi mức bình quân cả giai đoạn 2016 – 2020. Lượng “vốn mồi” cho tăng trưởng đạt quy mô gần 810.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh động lực tăng trưởng của nền kinh tế là xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn, dự báo tiếp tục kéo dài sang quý III và cả năm ở một số ngành nghề lĩnh vực, nhiều chuyên gia kinh tế đều đặt nhiều kỳ vọng vào giải ngân đầu tư công. Mới đây, bà Dorsati Madani – Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã nhận định, Việt Nam cần tăng đầu tư công theo kế hoạch, bao gồm gói hỗ trợ phục hồi kinh tế giai đoạn 2022 – 2023 (1,8% GDP).
Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công không chỉ góp phần đưa các dự án, công trình trọng điểm vào khai thác, phát triển hạ tầng kinh tế xã hội mà hình thành bệ đỡ, động lực thu hút các nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân, đầu tư nước ngoài cho quá trình phục hồi, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm nay và trong những năm tiếp theo.
Trao đổi với báo chí, bà Phí Hương Nga – Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) cũng tin tưởng tiến độ giải ngân đầu tư công từ nay đến cuối năm sẽ được đẩy nhanh. Nhận định này được đưa ra căn cứ trên việc nhiều dự án trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đã cơ bản hoàn thành thủ tục và đang tập trung triển khai thực hiện. Trong khi các dự án khác trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 đã hoàn thành thủ tục, quy trình.
Đầu tư công đang “vào guồng”. Với tiến độ giải ngân được duy trì như hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu đặt ra là giải ngân 95% vốn đầu tư công cho cả năm nay là khả thi.
Để mục tiêu trên cán đích, bà Phí Hương Nga cho rằng, các bộ, ngành, địa phương phải bám sát, quyết liệt triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phân bổ, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Đặc biệt, từ kết quả đạt được, các chuyên gia nhấn mạnh vai trò quan trọng của người đứng đầu các địa phương, bộ ngành. Kinh nghiệm cho thấy, ở đâu lãnh đạo trực tiếp phụ trách từng nhóm dự án cụ thể, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc thì ở đó, đầu tư công được đẩy mạnh. Lãnh đạo bộ, ngành, địa phương nào bám sát, đánh giá đúng tình hình, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, dự án, chủ động, linh hoạt trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dự án, chuẩn bị tốt mặt bằng sạch bàn giao thi công thì ở đó, giải ngân vốn đầu tư công cao hơn những nơi khác.
Về lâu dài, để đầu tư công được đẩy nhanh giải ngân, bà Phí Hương Nga đề xuất các cơ quan chức năng cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động dự án đầu tư công và ở các lĩnh vực liên quan đến đầu tư như đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản… một cách nhất quán, góp phần đảm bảo hiệu quả đầu tư, tiến độ giải ngân.