Nguồn thu tại các cửa khẩu đóng góp cho ngân sách địa phương, thúc đẩy kinh tế – xã hội tạo tiền đề cho các khu kinh tế từng bước phát triển.
Doanh nghiệp gặp khó
Để đến với các cửa khẩu, doanh nghiệp phải len lỏi theo các tuyến Quốc lộ 7, 8,9,12,… với chiều dài hàng chục, hàng trăm km để sang nước bạn. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay các tuyến Quốc lộ đã quá “chật”, xuống cấp so với lưu lượng và tải trọng của phương tiện vận tải.
Với hầu hết là xe tải cỡ lớn, xe container hàng chục tấn,… việc lưu thông trên địa hình hiểm trở, chật chội đã tạo thêm nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Chưa kể đến, vào thời gian thời tiết bất lợi thì hàng hóa có thể ùn tắc do sạt lở.
Ghi nhận tại tuyến Quốc lộ 8 dẫn đến cửa khẩu Quốc tế (CKQT) Cầu Treo (Hà Tĩnh), Quốc lộ 12 đến CKQT Cha lo (Quảng Bình), Quốc lộ 15D đến CKQT La Lay (Quảng Trị),… hầu hết các tuyến đường này đều đã xuống cấp, nhiều khu vực bị xuống lún, bong tróc nghiêm trọng. Cùng với đó, nhiều điểm có khả năng sạt lở trong khi hàng hóa không thể dừng quá lâu.
Ông Đỗ Minh Hoàng – Đại diện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoàng Dũng Quảng Trị cho hay, đường lên CKQT La Lay hiện nay thực sự quá khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, trong khi đó phí hạ tầng vẫn phải đóng đầy đủ.
Ông Hoàng Bá Linh – Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế La Lay cho biết, hạ tầng cửa khẩu đến nay vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, còn thiếu rất nhiều hạng mục, chưa đáp ứng đầy đủ mọi dịch vụ thiết yếu cho các doanh nghiệp vận tải.
“Chúng tôi mong muốn hạ tầng ở cửa khẩu sớm được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa. Nếu tuyến Quốc lộ 15D được cải thiện, nâng cấp và hệ thống hạ tầng được hoàn thiện thì lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu chắc chắn sẽ tăng cao hơn nữa, mang lại nguồn thu lớn hơn cho ngân sách Nhà nước”, ông Linh chia sẻ.
Tương tự tại CKQT Cha lo, ông Lưu Văn Dũng – Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng các KCN, KKT tỉnh Quảng Bình cũng thừa nhận bãi sang, hạ tải tại cửa khẩu đang không đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp. Do đó, khi lượng phương tiện vận chuyển về đến cửa khẩu nhiều thì sẽ gặp khó khăn trong việc hạ tải. Hiện tại CKQT Cha Lo chưa thể mở rộng được vì vướng rất nhiều vấn đề như ảnh hưởng đến đất quốc phòng và rừng đầu nguồn nên không thể chuyển đổi. Từ đây lượng xe về nhiều đã trở thành thách thức đối với đơn vị quản lý, việc lưu thông của các phương tiện cũng bị ảnh hưởng, tiềm ẩn tai nạn giao thông,…”.
Còn nhiều phụ thuộc
Tại CKQT Cầu Treo (Hà Tĩnh) thời gian qua bị ảnh hưởng khá nhiều về việc đường dẫn từ Lào về cửa khẩu bị sạt lở. Việc sạt lở kéo dài đã khiến doanh nghiệp gặp thiệt hại khi hàng hóa không thể lưu thông, trong khi đó các đơn hàng cũ phải đi heo hướng CKQT Cha lo (Quảng Bình) khiến chi phí đội vốn.
Thông tin từ ông Nguyễn Tiến Sơn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, trong thời gian qua lượng người, hàng hóa, phương tiện thông quan giảm mạnh. Giai đoạn trước mỗi ngày có khoảng 150 xe qua cửa khẩu, nhưng giờ chỉ còn khoảng 50 xe. “Theo thông tin chính thống từ tỉnh Bolykhamxay (Lào) thì các tuyến sạt lở nhanh cũng phải 1-2 tháng nữa mới xong. Và công tác sửa chữa đang gặp nhiều khó khăn vì thời tiết gặp mưa”, ông Sơn cho hay.
Trong khi đó, tại Quảng Trị, nguồn thu về hạ tầng không thể được sử dụng để đầu tư mới nên các cửa khẩu hiện nay đang thiếu vốn để đầu tư hạ tầng. Cụ thể, tại KKT Lao Bảo hiện nay đang thiêu bãi xuất khẩu khiến hàng hóa từ Việt Nam sang Lào đang tốn khá nhiều thời gian, ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Lý giải về vấn đề này, ông Trương Khắc Nghi – Phó Trưởng Ban quản lý KKT tỉnh Quảng Trị cho hay trước đó giữa Việt Nam và Lào có một quy định chung về kiểm tra hàng hóa. Cụ thể, hàng hóa sang nước nào thì nước đó sẽ thực hiện việc kiểm tra. “Tuy nhiên, sau dịch Covid-19 thì Ban xin dừng thực hiện quy định chung đó nên hiện nay bị thiếu hụt về hạ tầng, cụ thể là bãi xuất. Hiện nay đã có một doanh nghiệp tham gia đầu tư hạ tầng và đang lập quy hoạch, địa phương tiến hành giải phóng mặt bằng. Nếu như đầu tư xong dự án này thì vấn đề hạ tầng sẽ được giải quyết”, ông Nghi cho hay.
Ông Lê Hữu Cường – Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo cho biết hiện nay đơn vị đang sử dụng thiết bị chuyên dụng và dựa vào chuyên môn, nghiệp vụ của mình để kiểm soát tải trọng hàng hóa khi thông quan. Bên cạnh đó, ông Cương cũng thông tin Hải quan sẽ căn cứ vào tờ khai hàng hóa để tạo điều kiện giúp doanh nghiệp thông quan “càng nhanh, càng tốt”, vừa kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ vấn đề quá trọng tải cho phép.
“Chúng tôi luôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp đề xuất lên cấp trên chỉ đạo, giải quyết. Quan điểm của chi cục là vừa làm tốt vấn đề kiểm tra, kiểm soát tải trọng, vừa tạo điều kiện hết sức cho doanh nghiệp, nhằm giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí trong quá trình thông quan”, ông Cường khẳng định.