Để thực sự “thúc” được kinh tế vùng biên mậu phát triển xứng tầm, các địa phương có lợi thế cùng các cơ quan thẩm quyền cần sớm thực hiện giải pháp cụ thể như nâng cấp hạ tầng, xây dựng đề án thuận lợi,… để thu hút doanh nghiệp, nguồn hàng.
Hàng hoá buôn bán qua biên giới khi xuất khẩu, nhập khẩu đều phải nộp thuế và lệ phí (nếu có) theo quy định của pháp luật Việt Nam và đây là nguồn thu hữu hiệu cho ngân sách các địa phương.
Giải bài toán hạ tầng
Với câu chuyện phát triển kinh tế, cấp bách nhất đối với các khu kinh tế (KKT) cửa khẩu tại các địa phương vùng Bắc Trung bộ chính là hạ tầng. Bởi lẽ, hầu hết các tuyến đường dẫn đến vùng cửa khẩu đều đã đầu tư từ lâu, quy mô chỉ 2 làn đường hết sức chật chội so với các phương tiện vận tải hiện nay. Chưa kể đến, các tuyến Quốc lộ đều nằm ở địa hình dốc núi hiểm trở, nhiều khu vực cua hẹp dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông cho phương tiện qua lại.
Và hơn hết là tải trọng của các phương tiện hiện nay đã rất nặng, nhiều tuyến đường không thể “gánh” nổi lượng xe lưu thông hàng ngày nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Điển hình như Quốc lộ 15D dẫn đến cửa khẩu Quốc tế (CKQT) La Lay, Quốc lộ 8 đến KKT Cầu Treo,… đang gặp tình trạng như vậy.
Theo các doanh nghiệp vận tải ở khu vực Bắc Trung bộ hiện nay lượng hàng vận chuyển đi về giữa 2 nước Việt Nam – Lào rất lớn và với hạ tầng như hiện nay là rất khó trong hoạt động của các đơn vị. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn bài toán hạ tầng sớm được “giải” để đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Từ đây đưa kinh tế cửa khẩu phát triển đúng tiềm năng.
Ông Lưu Văn Dũng – Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng các KCN, KKT tỉnh Quảng Bình nhìn nhận rằng chỉ có nâng cấp hạ tầng mới có thể thúc đẩy phát triển kinh tế của khu vực. Bởi lẽ, ông Dũng cho rằng hạ tầng hiện nay vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và lượng phương tiện về cửa khẩu hiện nay là rất lớn. “UBND tỉnh Quảng Bình cũng đang có chủ trương xã hội hóa vấn đề bãi hạ tải và cũng có một doanh nghiệp ở Lạng Sơn đang nộp hồ sơ để đầu tư làm bãi hạ tải. Cụ thể là doanh nghiệp muốn mua lại toàn bộ cơ sở đã được đầu tư bằng vốn Ngân sách và thuê thêm một số khu vực để đầu tư thêm nhiều dịch vụ bổ sung như ăn uống, nghỉ ngơi,..”, ông Dũng cho biết.
Chung một góc nhìn, ông Hoàng Bá Linh – Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế La Lay (tỉnh Quảng Trị) thể hiện mong muốn hệ thống cơ sở hạ tầng ở cửa khẩu sớm được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa. Theo vị này, nếu tuyến Quốc lộ 15D được cải thiện, nâng cấp và hệ thống hạ tầng được hoàn thiện thì lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu chắc chắn sẽ tăng cao hơn nữa. Từ đó sẽ mang lại nguồn thu lớn hơn cho ngân sách Nhà nước.
Xây dựng Đề án mới
Dễ dàng nhận thấy, từ khi tuyến đường sắt tốc độ cao nối thủ đô Vientiane của Lào và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đi vào hoạt động cũng đã có những tác động đến hoạt động vận tải hàng hóa qua các cửa khẩu Việt Nam. Để tiếp tục phát huy lợi thế, các địa phương tại khu vực Bắc Trung bộ đang lên kế hoạch xây dựng Đề án mới để thu hút nguồn hàng hóa, doanh nghiệp đến đầu tư,…
Thông tin từ ông Trương Khắc Nghi – Phó Trưởng Ban quản lý KKT tỉnh Quảng Trị tại La Lay địa phương đã kêu gọi doanh nghiệp đến đầu tư bãi hạ tải theo hướng xã hội hóa nhưng chi phí quá lớn, địa hình phức tạp nhưng nguồn thu lại không đủ nên doanh nghiệp khó triển khai. Tại Lao Bảo, vấn đề dịch vụ sang hạ tải vừa qua đã cấp chủ trương đầu tư cho một doanh nghiệp Hà Nội với quy mô 8,5 ha. “Nếu đầu tư xong sẽ giải quyết được một phần tương đối lớn cho nhu cầu sang hạ tải của cửa khẩu. Hiện thủ tục đã xong, đang chờ phê duyệt quy hoạch chi tiết của dự án, huyện đang làm giải phóng mặt bằng”, ông Nghi cho biết.
Một thông tin mới từ vị này là tỉnh Quảng Trị đang xây dựng một Đề án xuyên biên giới giữa Lao Bảo (Quảng Trị) và Đensavẳn (Lào). Cụ thể, sau khi xây dựng Đề án xong sẽ quy hoạch lại khu vực này. “Chúng tôi quan tâm đến dịch vụ logistics tại khu vực cửa khẩu, vì hiện nay vấn đề lưu thông, chi phí trong lưu thông quyết định rất lớn đến giá thành . Thứ hai là lưu lượng phương tiện qua lại tại các cửa khẩu rất lớn, đặc biệt là sau dịch Covid-19 nguồn hàng hóa lớn nên cần các bãi dịch vụ logistics để phục vụ doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đề án có quy mô nghiên cứu tập trung vào vùng lõi Lao Bảo.
Theo các chuyên gia, những địa phương sở hữu CKQT, KKT cửa khẩu cần sớm xác lập nội dung kế hoạch, lộ trình cụ thể phát triển KKT cửa khẩu dựa vào tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh trong khu vực và cả nước. Ngoài ra, với Nghị quyết 23/NQ-CP về phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền của Chính phủ đã ban hành năm 2022 khẳng định “Khu vực biên giới là địa bàn trọng yếu, đóng vai trò “phên dậu” của Quốc gia” nên việc phát triển kinh tế thương mại, an sinh xã hội trên khu vực này là rất cần thiết, cần phải sớm ưu tiên đầu tư, kêu gọi đầu tư, xã hội hóa, công tư kết hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng biên mậu,…