Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của VPI dự báo giá xăng E5 RON 92 có thể tăng 989 đồng/lít lên mức 22.628 đồng/lít, xăng RON 95 có thể tăng 1.033 đồng/lít lên mức 23.825 đồng/lít.
Mô hình này cũng dự báo giá dầu diesel có thể tăng 1.395 đồng/lít lên mức 20.895 đồng; dầu hỏa có thể tăng 1.132 đồng/lít lên mức 20.321 đồng/lít, dầu mazut có thể tăng 845 đồng/lít lên 16.570 đồng/lít. Mô hình dự báo kỳ này sẽ không trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Từ ngày 24 – 26/7, giá xăng trung bình tại thị trường Singapore đạt 99,12 USD/thùng (xăng RON 92) và 104,8 USD/thùng (xăng RON 95). So với kỳ điều hành trước, giá xăng RON 92 đã tăng 6 USD/thùng, còn giá xăng RON 95 tăng 5,88 USD/thùng. Tương tự, giá dầu diesel cũng tăng 7,37 USD/thùng, dầu hỏa tăng 7,032 USD/thùng, dầu mazut tăng 7,032 USD/tấn.
Giá dầu thế giới chốt phiên giao dịch ngày 28/7 đạt mức cao nhất kể từ tháng 4/2023 và có tuần thứ 5 tăng liên tiếp do kỳ vọng việc cắt giảm nguồn cung từ OPEC+ giúp giữ giá “vàng đen” ổn định. Giá cả 2 loại dầu chủ chốt là Brent và WTI đều tăng gần 5% trong tuần này và tăng hơn 13% kể từ đầu tháng 7/2023 đến nay.
Giá dầu thô, giá sản phẩm lọc dầu thế giới/khu vực đi lên khá vững chắc bởi một loạt các thông tin tích cực từ thị trường tài chính – kinh tế cũng như từ thị trường dầu thô/sản phẩm. GDP của Mỹ trong quý II/2023 dự kiến đạt 2,4%, cao hơn so với mức 2,0% trong quý I/2023 và tăng cao hơn so với mức dự báo 1,8% trước đó. Pháp và Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 4 của châu Âu, tăng trưởng tốt hơn trong Quý II/2023 với GDP của Pháp tăng hơn kỳ vọng và ở mức 0,5% và GDP của Tây Ban Nha tăng 0,4%.
Tồn kho xăng dầu của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 21/7 theo công bố của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) giảm so với tuần trước đó do nhập khẩu giảm. Tồn kho dầu thô Mỹ trong tuần vừa qua giảm 600.000 thùng xuống mức 456,8 triệu thùng, thấp hơn so với dự báo giảm 2,35 triệu thùng của các nhà phân tích trong khảo sát của Reuters.
Trước đó, ngày 24/7, Cơ quan Hoạch định Kinh tế Trung Quốc đã công bố nhiều biện pháp để hỗ trợ đầu tư tư nhân trong các lĩnh vực như giao thông vận tải, năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng mới, cơ sở sản xuất tiên tiến và nông nghiệp hiện đại.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu toàn cầu năm 2023 sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày lên mức 102,1 triệu thùng/ngày. Tốc độ tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu được IEA dự báo sẽ chậm lại còn 1,1 triệu thùng/ngày trong năm 2024.
Trong khi đó, nguồn cung dầu toàn cầu năm 2023 được dự báo sẽ tăng 1,6 triệu thùng/ngày lên 101,5 triệu thùng/ngày, do sản lượng của các nước ngoài OPEC+ tăng thêm 1,9 triệu thùng/ngày. Trong năm 2024, nguồn cung dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng 1,2 triệu thùng/ngày lên mức kỷ lục mới là 102,8 triệu thùng/ngày.
Xuất khẩu dầu của Liên bang Nga đã giảm 600 nghìn thùng/ngày xuống mức 7,3 triệu thùng/ngày trong tháng 6/2023, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021. Doanh thu xuất khẩu dầu của Moscow ước tính giảm 1,5 tỷ USD xuống 11,8 tỷ USD, chỉ bằng gần một nửa so với cùng kỳ năm trước. Nga có kế hoạch cắt giảm xuất khẩu dầu thêm 500 nghìn thùng/ngày từ tháng 8/2023, song có thể giữ sản lượng ổn định do nhu cầu dầu trong nước tăng theo mùa.