Sáng nay (29/9), tại hội trường VCCI chi nhánh TP HCM, được sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với VCCI chi nhánh TP HCM tổ chức Diễn đàn: Phát triển chuỗi cung ứng sản xuất nông nghiệp an toàn. Diễn đàn tiếp nối các sự kiện, chuỗi diễn đàn mà Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã triển khai thời gian qua, nhằm mang đến các cơ hội đầu tư, liên kết phát triển cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, đặc biệt các doanh nghiệp, thành viên là những “mắt xích” tham gia trong chuỗi cung ứng nông nghiệp Việt.
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn – Tổng cục Thuế cho rằng sự phát triển của nông nghiệp đang theo hướng nâng cao giá trị và điều này cho thấy vai trò quan trọng của việc hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ngày càng được quan tâm. Bởi, thực tế cho thấy, việc hợp tác liên kết một cách nghiêm túc là tiền đề bảo đảm cho các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm và đầu tư có hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông sản, góp phần thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển trong dài hạn.
Cũng theo ông Phụng, nhằm khuyến khích hoạt động hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp… (gọi chung là nông sản); ngày 07/07/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, mục tiêu của chính sách là thúc đẩy việc hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung một hay một nhóm nông sản cùng loại, có quy mô phù hợp với từng loại hình sản xuất và điều kiện của mỗi địa phương, tuân thủ các quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, có liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Tuy nhiên, ông Phụng cũng lưu ý, để định hướng khuyến khích hợp tác liên kết gắn với phát triển nông thôn theo quy hoạch phát triển, thì trong quá trình thực hiện cần phải đảm bảo liên kết ổn định, lâu dài, bền vững; gắn với định hướng quản lý chất lượng, an toàn … các dự án, kế hoạch hợp tác, liên kết phải tuân thủ các nguyên tắc, điều kiện cụ thể:
Một là: Ngoài các nội dung tự thỏa thuận giữa các bên tham gia liên kết, Dự án liên kết phải có ít nhất một trong 3 nội dung, như: Thiết kế, cải tạo đồng ruộng, đầu tư xây dựng, mở rộng quy mô diện tích vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; Đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Góp vốn, tài sản, giá trị quyền sử dụng đất, công nghệ hay quy trình sản xuất.
Hai là, Các bên tham gia liên kết được hỗ trợ phải đáp ứng đồng thời các điều kiện: Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương; Giấy chứng nhận hoặc cam kết bảo đảm các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường; Liên kết phải đảm bảo ổn định, theo đó với những sản phẩm nông nghiệp có chu kỳ nuôi, trồng, khai thác dưới 01 năm, thời gian liên kết tối thiểu là 03 năm.
Ba là, bảo đảm sự công bằng, rõ trách nhiệm và quyền lợi của các bên liên kết, khuyến khích ưu đãi cao nhưng không trùng lắp về nguồn lực, như: đối với mỗi loại hình liên kết, các bên tham gia liên kết ở nội dung nào sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ ở nội dung đó; mỗi bên chỉ được hỗ trợ khi nội dung liên kết được thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng, dự án liên kết. Trường hợp cùng một thời điểm, nội dung có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác nhau (kể cả từ các chương trình, dự án khác) thì đối tượng thụ hưởng được quyền lựa chọn áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ có lợi nhất.
Bốn là, có quy định để tạo cơ sở pháp lý cũng như khuyến khích việc thu hút các nguồn lực tài chính hỗ trợ cho hợp tác, liên kết. Theo đó, ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, các địa phương chủ động cân đối bổ sung ngân sách địa phương, lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, Nhà nước khuyến khích các nguồn vốn hỗ trợ hợp pháp khác để thúc đẩy liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.