S&P 500 đóng cửa ở mức giảm 3% còn 5.186 điểm, là mức giảm hằng ngày lớn nhất kể từ tháng 9.2022, Dow Jones bốc hơi hơn 1.000 điểm còn 38.704 điểm, giảm 2,6%, trong khi Nasdaq chốt phiên ở mức 16.200 điểm, giảm 3,4%.
Biến động đáng chú ý này diễn ra chỉ vài tuần sau khi 3 nhóm chỉ số trên đều ghi nhận mức cao kỷ lục đến từ đợt bùng nổ kéo dài nhiều tháng trên thị trường.
Sự sụt giảm toàn cầu ngày 5.8 bắt đầu ở châu Á, khi sàn Nikkei của Nhật Bản giảm 12,4%, mức bán tháo cổ phiếu tồi tệ nhất kể từ vụ sụp đổ Thứ hai đen tối năm 1987. Các thị trường tại châu Âu cũng chịu tình cảnh tương tự. Trong ngày 6.8, Nikkei đã bật tăng 8% khi vừa mở phiên giao dịch.
Tình trạng bán tháo cổ phiếu xuất hiện sau khi Mỹ ngày 2.8 công bố báo về tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,3%, mức cao nhất kể từ tháng 10.2021.
Sàn Nasdaq vốn tập trung vào các ông lớn ngành công nghệ cũng chịu ảnh hưởng. Tổng giá thị trường của nhóm 7 doanh nghiệp công nghệ hàng đầu - gồm Apple, Microsoft, Meta, Amazon, Alphabet, Nvidia và Tesla - giảm khoảng 800 tỷ USD vào ngày 5.8, theo dữ liệu của sàn chứng khoán London (LSEG).
Trong khi đó, chỉ số biến động CBOE (VIX) - là chỉ số đo lường độ biến động dự kiến của thị trường chứng khoán, đôi khi còn được coi là “thước đo nỗi sợ” của Phố Wall - đã tăng lên mức chưa từng có kể từ khi thị trường chao đảo do đại dịch Covid-19.
Các quan chức kỳ vọng nền kinh tế Mỹ có thể vượt qua những thách thức và đạt giai đoạn "hạ cánh mềm", tức sự suy giảm tăng trưởng kinh tế theo chu kỳ nhưng tránh được suy thoái, theo trang Investopedia.