Nhân chuyến thăm Việt Nam và tham dự Chuỗi Hội nghị quốc tế quan trọng hàng năm lĩnh vực logistics thế giới gồm FIATA RAP, AFFA Mid-Year Conference và Hội nghị UNESCAP tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 13 – 15/7, Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA) Ivan Petrov và Tổng Giám đốc FIATA Stéphane Graber, các Lãnh đạo Liên đoàn, Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã có cuộc gặp gỡ, làm việc với Lãnh đạo Thành phố Hải Phòng, Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Hải Phòng và các doanh nghiệp logistics của Thành phố sáng ngày 12/7.
Tại buổi làm việc, ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng bày tỏ vui mừng chào đón và khẳng định Thành phố vinh dự khi được đoàn lựa chọn là nơi đến thăm bởi Hải Phòng có thế mạnh về cảng biển và logistics, Thành phố cũng coi đây là trọng tâm quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế địa phương.
“Do đó, chúng tôi tin tưởng sau buổi làm việc sẽ có những hoạt động đẩy mạnh, tăng cường kết nối giữa Hải Phòng với các địa phương cũng như với các nước trên thế giới”, ông Hoàng Minh Cường nhấn mạnh.
Giới thiệu một số thông tin về tình hình phát triển kinh tế và lĩnh vực logistics của Hải Phòng, ông Cường cho biết, năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 12,32%, gấp 1,5 lần bình quân chung cả nước, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế. Các chỉ tiêu kinh tế cơ bản có sự tăng trưởng so với cùng kỳ: chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 14,41%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 109.226 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố đạt 28,86 tỷ USD; sản lượng hàng qua cảng Hải Phòng đạt 168 triệu tấn; thu hút đầu tư nước ngoài FDI đạt 2,5 tỷ USD.
Tiếp đà tăng trưởng này, 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 9,94% so cùng kỳ, đứng thứ 3 cả nước; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 12,28%; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố đạt 13,36 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 46.491 tỷ đồng; sản lượng hàng qua cảng Hải Phòng đạt 69,1 triệu tấn; thu hút đầu tư nước ngoài FDI đạt 1,98 tỷ USD.
“Một trong những lý do giúp Hải Phòng có được tốc độ tăng trưởng cao như vậy là do Hải Phòng là thành phố duy nhất trong khu vực phía Bắc có đầy đủ 5 phương thức vận tải gồm đường bộ, đường sắt, đường không, đường biển và đường thủy nội địa cùng các điều kiện địa lý tự nhiên và hệ thống cảng biển thuận lợi cho sự phát triển ngành dịch vụ Logistics và trở thành trung tâm Logistics của khu vực phía Bắc”, ông Hoàng Minh Cường nhấn mạnh.
Về trung tâm dịch vụ logistics, Phó Chủ tịch Hoàng Minh Cường cho biết, Hải Phòng có 4 trung tâm logistics, gồm 22 trung tâm đã hoạt động là trung tâm logistics Green, trung tâm tiếp vận Yusen Logistics (Khu công nghiệp Đình Vũ) và 2 trung tâm đang dược xây dựng là trung tâm logistics CDC (Khu công nghiệp Đình Vũ 2) và trung tâm thuộc khu công nghiệp Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Deep C III).
“Mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 30% – 35%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố từ 20% – 25%; tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 60%. Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 30% – 35%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố từ 25% – 30%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 65%“, ông Cường chia sẻ.
Đồng thời cho biết thành phố quy hoạch tổng diện tích đất cho logistics đến năm 2025 là khoảng 2.061 ha, đến năm 2030 là 2.156 ha. Định hướng đến năm 2025 – 2030, Hải Phòng quy hoạch 9 trung tâm logistics.
Phát biểu tại buổi gặp, Chủ tịch FIATA Ivan Petrov cho biết rất vinh dự khi lần đầu tiên đến thăm Việt Nam và TP Hải Phòng. “Lần đầu tôi được nghe về TP Hải Phòng cách đây 5 năm tại một sự kiện của FIATA tại Istanbul từ người bạn của tôi là ông Đào Trọng Khoa. Rất vui khi lần đầu tiên được đến đây chứng kiến Hải Phòng là Thành phố cửa ngõ của khu vực phía Bắc Việt Nam với đủ 5 loại hình vận tải đa phương thức và tỷ trọng đóng góp đáng ngạc nhiên 20- 25% GDP”, ông Ivan Petrov chia sẻ.
Là tổ chức lớn nhất thế giới về giao nhận vận tải được hình thành cách đây 100 năm với 150 quốc gia thành viên, trong đó VLA là thành viên thường xuyên và tích cực, FIATA dự kiến có nhiều kế hoạch trong năm tới đặc biệt tại Việt Nam.
“Ngay trong ngày hôm nay chúng tôi sẽ có lịch làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, sau đó là chuỗi Hội nghị thường niên Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA) và Hội nghị giữa năm của Liên đoàn Giao nhận Vận tải ASEAN (AFFA) tại TP. Đà Nẵng từ ngày 13 đến 15/7. Đặc biệt, là các hoạt động để chuẩn bị cho FWC 2025 tổ chức tại Hà Nội vào năm 2025”, Chủ tịch FIATA chia sẻ.
Nhấn mạnh về FWC 2025, Chủ tịch FIATA khẳng định đây sẽ là cơ hội để TP Hải Phòng giới thiệu, quảng bá về những tiềm năng thế mạnh của thành phố với đối tác quốc tế và là cơ hội xúc tiến đầu tư rất lớn. Đồng thời hi vọng Hải Phòng sẽ hỗ trợ BTC trong chia sẻ những câu chuyện thành công về xây dựng Trung tâm Logistics.
“Tôi cũng hi vọng với vai trò chính quyền địa phương, HP sẽ tạo điều kiện để cải thiện hạ tầng giao thông, trong đó có đường sắt. Vận tải đa phương thức và trung tâm cảng biển sẽ không thể phát triển thêm nếu chúng ta không cải thiện hạ tầng kết nối”, Chủ tịch FIATA khẳng định. Đồng thời cho biết việc cải thiện hạ tầng kết nối không chỉ có lợi cho Hải Phòng, cho Việt Nam mà còn cho việc kết nối với các quốc gia lân cận.
Ông Stéphane Graber, Tổng Giám đốc FIATA cho biết thấy được lợi thế của Hải Phòng là vận tải đa phương thức, đây sẽ là tiền đề để phát triển hơn nữa.
“Việc kết nối giữa hệ thống cảng biển và đường thuỷ nội địa rất quan trọng, đây cũng là thách thức chúng tôi quan sát được từ các cảng biển lớn trên thế giới từ đại dịch. Bối cảnh hiện nay chúng ta phải đối mặt với phi carbon hoá, cơ sở hạ tầng đường sắt… Đối với phi carbon hoá trong ngành logistics thì chuyển đổi số là rất quan trọng. FIATA có chuyên môn về chuyển đổi số trong ngành logistics, chúng tôi là một trong những thành viên của tổ chức thanh toán SWIFT. Chúng tôi đại diện cho 80% ngành logistics và giao thông toàn cầu do đó góp phần vào những quyết sách quan trọng”, Giám đốc điều hành FIATA nhấn mạnh.
Đồng thời cũng khẳng định đại hội thường niên của FIATA 2025 tại Thủ đô Hà Nội sẽ là cơ hội cho TP Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung để phối hợp với VLA giải quyết 2 vấn đề lớn là phát triển bền vững như phi carbon hoá và vấn đề đẩy mạnh chuyển đổi số, FIATA sẽ cung cấp những khuyến nghị và hỗ trợ kỹ thuật.
“Chúng tôi muốn nhấn mạnh tổ chức của chúng tôi là liên minh kinh tế đặc biệt, chúng tôi đang chuyển hướng từ phi toàn cầu hoá sang tái toàn cầu hoá, Chủ tịch của Chúng tôi có sáng kiến về toàn cầu hoá. Chúng ta phải tăng sức chống chịu bằng việc xây dựng lại hệ thống logistics toàn cầu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau đại dịch. Và Việt Nam đang thể hiện rằng có nhiều cơ hội trong đa dạng hoá chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất trong những năm tới đây”, ông Stéphane Graber khuyến nghị.
Trong khi đó, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) bày tỏ vui mừng và gửi lời cảm ơn Thành phố tiếp đón nồng nhiệt. Là Hiệp hội quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp logistics cả nước, VLA đã bước sang tuổi thứ 30 cùng với Hiệp hội Logistics Hải Phòng (HPLA) là hội viên đối tác tích cực, là điển hình của việc thành lập Hiệp hội logistics địa phương với sự đồng hành của Hiệp hội quốc gia. VLA luôn hỗ trợ phát triển các Hiệp hội logistics địa phương.
Ông Hiệp đánh giá, Hải Phòng cùng với TP HCM với lợi thế cảng biển nước sâu đang thu hút các nhà đầu tư đặc biệt tại khu vực Lạch Huyện và mở ra cơ hội phát triển, làm sao chúng ta phát triển vận tải đa phương thức, phát triển hạ tầng kết nối.
Bên cạnh các kết nối cứng, Chủ tịch VLA cũng khuyến nghị cần có kết nối mềm, kết nối mềm ở đây là hệ thống chính sách tạo thuận lợi cho phát triển logistics, xuất nhập khẩu hàng hoá…
“Chúng tôi hết sức ấn tượng khi nghe đóng góp của logistics vào GRDP của thành phố khoảng trên 20%, điều này thể hiện sự quan trọng của lĩnh vực logistics vào sự phát triển của kinh tế Hải Phòng”, ông Lê Duy Hiệp khẳng định.
Khuyến nghị cho sự phát triển cảng biển cửa ngõ và trung tâm logistics của vùng, VLA đề xuất Hải Phòng tăng cường kết nối vùng, đồng thời quan tâm phát triển đường thuỷ nội địa với các địa phương có đầu tư FDI lớn để kết nối với cảng biển của Hải Phòng.
“Tại TP HCM hiện nay, sản lượng hàng hoá vận chuyển bằng đường thuỷ nội địa giữa TP HCM với các địa phương như Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu là trên 3 triệu teu/năm, giúp giảm áp lực cho đường bộ và chi phí thấp hơn so với đường bộ”, Chủ tịch VLA chia sẻ.
Một điểm khác được ông Hiệp đề cập là air-cargo, theo đó, thành phố hiện vẫn chưa phát triển nhiều mà vẫn phụ thuộc vào sân bay Nội Bài, thành phố cũng cần nghiên cứu phát triển vận tải hàng hoá bên cạnh hành khách tại sân bay Cát Bi.
VLA cũng đề xuất thành phố đẩy mạnh số hoá trong công tác thông quan và logistics. VLA đang cố gắng số hoá toàn bộ chứng từ điện tử như vận đơn…
Chia sẻ về FIATA RAP và FWC 2025 Lãnh đạo VLA mong muốn chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp logistics ủng hộ và hỗ trợ công tác tổ chức Hội nghị thành công.
Từ góc độ Liên đoàn Giao nhận vận tải ASEAN (AFFA) ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch chia sẻ câu chuyện tuyến hành lang vận tải phía Nam kết nối đường sắt với Trung Quốc sau 5 năm vẫn là chỉ “mong muốn”. “Trong khi đó, tuần vừa qua, tôi có cơ hội tham dự Hội nghị và khai trương tuyến đường sắt kết nối ASEAN và Châu Âu thông qua Trùng Khánh với nhiều hàng hoá từ Thái Lan, Lào, Campuchia…và một số ít hàng hoá của Việt Nam. Do đó, tôi nghĩ phát triển đường sắt nên là một ưu tiên của Chính phủ Việt Nam và Hải Phòng để phát huy vai trò cửa ngõ của khu vực. Thông qua FIATA, AFFA và VLA sẽ kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác tại Trung Quốc như ở Trùng Khánh”, ông Khoa nhấn mạnh.
Đồng thời cho biết AFFA hiện cũng tập trung vào phát triển bền vững và chuyển đổi số, mong muốn sẽ có sự phối hợp chặt chẽ giữa Liên đoàn với VLA và HPLA trong lĩnh vực này.
Tiếp thu những ý kiến đóng góp cho Thành phố, Phó Chủ tịch Hoàng Minh Cường cho biết thành phố đang gấp rút trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch của Thành phố đưa Hải Phòng trở thành Logistics Hub của khu vực và thế giới. Do đó, trong các vấn đề về quy hoạch sẽ có nhiều khu vực được mở rộng như cảng Lạch Huyện, phát triển thêm khu kinh tế thứ hai, phát triển khu phi thuế quan, khu thương mại tự do, thêm sân bay Tiên Lãng và các cảng biển mới.
Thành phố hiện cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong các Sở ngành, các doanh nghiệp. Thành phố cũng giao sở Công Thương xây dựng nền tảng để kết nối các Sở ngành trong lĩnh vực logistics với nhau gồm Hải quan, thuế, doanh nghiệp…
Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cũng khẳng định tới thời điểm FWC 2025 Hải Phòng đã đạt được những phát triển đột phá và có thể chia sẻ câu chuyện thành công về phát triển logistics của địa phương. Đồng thời cho biết thành phố đã cử các Sở ngành đại diện phối hợp với FIATA, VLA trong các hoạt động kết nối sau này.
Cùng ngày, đoàn của Chủ tịch FIATA cũng đến thăm và làm việc với Cảng Container Quốc tế Tân Cảng – Hải Phòng (TC-HICT) và Công ty CP XD Công trình giao thông và Cơ giới (HTM). Một số hình ảnh được PV ghi lại: