UAV Trung Quốc được chuyển sang Nga?
Mới đây, một lô gồm 14 máy bay không người lái (UAV) DJI Agras T-30 của Trung Quốc được cho là đã được một công ty Kyrgyzstan mua với kế hoạch bán lại cho một khách hàng Nga. Trong khi đang được vận chuyển bằng đường bộ đến gần biên giới giữa Kazakhstan và Kyrgyzstan, các UAV này đã bị hải quan Kyrgyzstan tịch thu vì thiếu giấy tờ xuất khẩu phù hợp.
Trên nhãn vận chuyển, UAV của Trung Quốc được giới thiệu là thiết bị hỗ trợ phun thuốc trừ sâu, chủ yếu phục vụ cho các vườn cây ăn trái và trang trại lớn. Tuy nhiên, danh tính của bên mua là một công ty Nga đã khiến mục đích sử dụng của lô hàng trở nên đáng ngờ.
Có những nghi ngờ rằng các UAV Trung Quốc, có thể chở theo tải trọng 30 kg, sau khi chuyển đến Nga sẽ được sử dụng để thả bom hoặc chuyên chở vũ khí. Mặc dù hoạt động tương đối ồn so với UAV trinh sát quân sự truyền thống, T-30 có thể bay ở độ cao lên tới 4.300 mét và hoạt động cả ngày lẫn đêm trong mọi thời tiết, theo trang web của nhà sản xuất. Loại UAV này cũng được trang bị một loạt các cảm biến tinh vi, bao gồm camera, radar và đèn rọi để chiếu sáng các vật thể trên mặt đất.
Đại sứ quán Kazakhstan ở Mỹ từ chối bình luận về vụ việc. Trong khi đó, ông Charles Rollet, thành viên nhóm theo dõi ngành công nghiệp giám sát toàn cầu IPVM (Mỹ), cho biết không có ghi chép nào về việc UAV Agras T-30 được triển khai trên chiến trường.
Thương mại Kyrgyzstan – Nga tăng mạnh
Theo lời các quan chức Mỹ nói về vụ việc, các đơn hàng như vậy khá bất thường, bởi trong thời gian gần đây, các loại hàng hóa này được vận chuyển vào Nga thường xuyên hơn mà không bị gián đoạn.
Các quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sau vụ việc, họ đặc biệt lo ngại về vai trò của Kyrgyzstan. Quốc gia miền núi, không giáp biển với 6,7 triệu dân này từng là biên giới phía nam Liên Xô và hiện là nơi đặt trụ sở của nhiều doanh nghiệp đóng vai trò cầu nối cho hàng hóa phương Tây và châu Á đến Nga.
Kể từ tháng 2.2022, thời điểm Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Kyrgyzstan đã chứng kiến sự mở rộng đáng kể của các công ty xuất nhập khẩu chủ yếu làm ăn với Nga.
Theo Trung tâm phân tích chính sách châu Âu (CEPA), trong số đó có một công ty Kazakhstan được một nhà cung cấp thiết bị điện tử của Nga thành lập vào tháng 3.2022, chưa đến 3 tuần kể từ khi nổ ra xung đột Ukraine. Nhà cung cấp này trước đó từng có khách hàng liên quan tới lĩnh vực quốc phòng Nga. Kể từ tháng 1 năm nay, công ty Kazakhstan đã gửi tới Nga ít nhất 270 lô hàng hàng hóa lưỡng dụng mà Mỹ cho là có khả năng cao sẽ được quân đội Nga sử dụng.
Bên cạnh đó, một số báo cáo thương mại công khai của Kyrgyzstan cũng phần nào phản ánh quy mô thị trường “trong bóng tối” của nước này. Các hồ sơ cho thấy tổng khối lượng xuất khẩu của Kyrgyzstan sang Nga đã tăng vọt vào năm 2022, tăng 250% so với năm trước đó. Đối với một số mặt hàng, chẳng hạn như ống ngắm súng trường, không có hồ sơ nào cho thấy Kyrgyzstan từng xuất khẩu mặt hàng này sang Nga trước tháng 2.2022, theo The Washington Post.
Các tài liệu thương mại cũng cho thấy mức độ phối hợp của các công ty Kyrgyzstan với khách hàng Nga. Hồ sơ từ đầu năm nay cho thấy các công ty Kyrgyzstan đã mua số lượng lớn thiết bị điện tử nhạy cảm, bao gồm chất bán dẫn chuyên dụng và bộ khuếch đại điện áp trị giá hàng trăm nghìn USD, từ các công ty Trung Quốc và Hàn Quốc vào tháng 2 và tháng 3. Các tài liệu cho thấy một số lượng gần như giống hệt nhau của cùng loại thiết bị điện tử đã được xuất khẩu từ Kyrgyzstan sang Nga trong cùng thời gian.
Đại sứ quán Nga tại Mỹ không bình luận. Trong khi đó, Đại sứ quán Kyrgyzstan tại Mỹ nói với The Washington Post rằng các nhà lãnh đạo của đất nước cam kết tuân thủ các quy định quốc tế và trấn áp hàng lậu và buôn bán bất hợp pháp khác. Tuyên bố cho rằng sự gia tăng thương mại với Moscow một phần là do những cải tiến trong hệ thống điện tử để theo dõi luồng hàng hóa qua biên giới của đất nước.
Mặc dù thừa nhận các báo cáo trước đây về các vi phạm lệnh trừng phạt, Đại sứ quán Kyrgyzstan tại Mỹ nói rằng các nhà phân tích đã không tính đến “bối cảnh kinh tế thực tế”.
“Kyrgyzstan và Nga là thành viên của Liên minh Kinh tế Á – Âu và Nga là một trong những đối tác thương mại chính của chúng tôi. Hơn một triệu công dân của chúng tôi làm việc ở Nga”, theo tuyên bố.
Phương Tây tìm cách thuyết phục
Thay vì nhắm mục tiêu vào các chính phủ và công ty trong khu vực bằng các biện pháp trừng phạt thứ cấp, phương Tây đã tập trung vào các cuộc thảo luận cấp cao và thắt chặt các hạn chế xuất khẩu.
Các quan chức Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã sử dụng đòn bẩy ngoại giao để kiềm chế thương mại, bao gồm vận động các chính phủ ở Trung Á kiểm soát dòng thiết bị điện tử công dụng kép của phương Tây đi qua lãnh thổ các nước này để đến Nga.
“Mục tiêu ở đây, vào thời điểm này, không phải là trừng phạt Kyrgyzstan mà thực sự là cung cấp cho họ thông tin họ cần để họ không trở thành nơi trốn tránh các lệnh trừng phạt”, ông Lesslie Viguerie, Đại sứ Mỹ tại Kyrgyzstan, nói với The Diplomat. Theo ông, Mỹ đang theo dõi việc này.
Dù vậy, theo The Washington Post, Mỹ và đồng minh sẽ không thể ngừng hoàn toàn nguồn cung thiết bị điện tử công dụng kép của phương Tây vào Nga, đặc biệt là với các mạng lưới mua sắm đi qua Trung Quốc và Ấn Độ, những nước không tham gia trừng phạt Moscow.
Tuy nhiên, phương Tây vẫn có thể hạn chế khả năng tiến hành quân sự của Nga ở Ukraine bằng cách tăng cường kiểm soát xuất khẩu. Ông James Byrne, giám đốc phân tích và tình báo nguồn mở tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) cho rằng những gì phương Tây có thể làm bao gồm kéo dài chuỗi cung ứng.