Dữ liệu trên được thể hiện trong báo cáo gần đây của New World Wealth, một công ty báo cáo tài sản toàn cầu có trụ sở ở Nam Phi, và hãng cố vấn di cư đầu tư Henley & Partners có trụ sở ở Anh. Đây là báo cáo thống kê về số lượng người giàu có tài sản ròng từ 1 triệu USD trở lên trong giai đoạn từ năm 2013 – 2023.
Báo cáo của Công ty tư vấn Henley & Partners và New World Wealth cho thấy, các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc có số triệu phú đông nhất, nhưng Việt Nam mới giữ kỷ lục về tốc độ gia tăng triệu phú USD.
Theo báo cáo, Việt Nam có 19.400 triệu phú có tài sản trên 1 triệu USD, 58 triệu phú có tài sản trên 100 triệu USD và 6 tỉ phú. Trong giai đoạn 2013-2023, số triệu phú USD của Việt Nam đã tăng 98%, tức gần gấp đôi. Tốc độ này vượt cả Trung Quốc (92%), Ấn Độ (65%) và Mỹ (62%).
New World Wealth và Henley & Partners đánh giá, tốc độ tăng trưởng triệu phú của Việt Nam cao một phần do mức nền so sánh ban đầu thấp, chỉ gần 9.800 triệu phú hồi năm 2013. Sự tăng trưởng nhanh chóng số triệu phú ở Việt Nam phản ảnh thành công kinh tế gần đây và cho thấy xu hướng tích lũy của cải tiếp tục gia tăng.
Ông Andrew Amoils, chuyên gia phân tích của New World Wealth dự báo mức độ giàu có của Việt Nam có thể tăng tới 125%. Điều này cũng đồng nghĩa Việt Nam sẽ có khoảng 43.650 triệu phú USD vào năm 2034.
Đây là mức tăng trưởng tài sản lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào xét về GDP bình quân và số lượng triệu phú. Ấn Độ dự kiến đứng ở vị trí thứ 2 với mức tăng trưởng tài sản dự kiến là 110%.
Vẫn theo nhận định từ các nhà phân tích của New World Wealth, Việt Nam là quốc gia tương đối an toàn so với các quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, Việt Nam cũng là cơ sở sản xuất ngày càng phổ biến của các công ty công nghệ, ôtô, điện tử, quần áo và dệt may.
Theo giới phân tích, thống kê chi tiết về sự tăng trưởng triệu phú trong thập kỷ qua phản ảnh bức tranh rộng hơn trên toàn cầu. Đó là, sự tăng trưởng ở châu Á và suy giảm ở các nước châu Âu.
Bà Misha Glenny, lãnh đạo Viện Khoa học con người ở Vienna, nhận định, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam đều ghi nhận mức tăng tương đối lớn về số lượng cá nhân có giá trị tài sản ròng cao, xu hướng này sẽ tiếp tục khi tốc độ tăng trưởng trong khu vực châu Á tiếp tục gia tăng.
Chuyên gia Jacky Poh của Henley & Partners nhấn mạnh, đối với Việt Nam sự gia tăng số triệu phú phản ảnh sự phát triển nhanh chóng. "TP.HCM, trung tâm kinh tế của cả nước, là trung tâm của sự bùng nổ giàu có này, được thúc đẩy bởi môi trường kinh doanh năng động và tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng", chuyên gia Jacky Poh nói.
Trước đó, trong báo báo cáo của McKinsey cũng đã chỉ ra, Việt Nam có vị trí chiến lược giúp phát triển kinh tế nhanh. Đó là có chung đường biên giới đất liền với Trung Quốc và gần các tuyến đường hàng hải lớn.
Việt Nam cũng được xem là quốc gia có chi phí lao động còn thấp, trong khi đó Chính phủ đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, qua đó biến Việt Nam thành một "điểm đến hàng đầu" (Prime Destination) cho dòng vốn đầu tư FDI.