Tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam năm 2024 với chủ đề “thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới”, bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, 2024 là năm “tăng tốc” để hoàn thành cao nhất các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, cũng là giai đoạn nền tảng giữa kỳ hướng tới các mục tiêu phát triển đến năm 2030. 

Động lực tăng trưởng mới cho kinh tế năm 2024

Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam năm 2024 với chủ đề “thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới” do Bộ Ngoại giao và Tạp chí Kinh tế VN tổ chức. 

Theo lãnh đạo Bộ Ngoại giao, vào thời điểm này năm ngoái, chúng ta đánh giá triển vọng kinh tế thế giới sẽ tiếp tục khó khăn, nhiều rủi ro, đứng trước nguy cơ suy thoái. Thực tế diễn ra năm 2023 cho thấy các dự báo này là chính xác, thậm chí một số mặt còn khó khăn, phức tạp hơn, nhất là việc gia tăng các điểm nóng xung đột địa chính trị.

Bối cảnh bất ổn đó càng cho thấy ý nghĩa của những kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà Việt Nam đã đạt được.

Đó là bảo đảm tốt ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội và các cân đối lớn của nền kinh tế; đà phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước và cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực khi tăng trưởng bình quân của ASEAN là khoảng 4,3%.

Bên cạnh đó là phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, sự phối hợp nhịp nhàng và đồng lòng của cả hệ thống chính trị.

Nhấn mạnh một trong những kết quả nổi bật về công tác đối ngoại năm qua, bà Nguyễn Minh Hằng cho biết công tác đối ngoại được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá là điểm sáng ấn tượng trong tổng thể bức tranh chung.

"Cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi chưa từng có hiện nay đã góp phần thu hút hiệu quả các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển. Theo đánh giá, thu hút FDI năm 2023 đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ", bà Hằng điểm lại.

Bước sang năm 2024, Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, kinh tế toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục nổi lên một số xu hướng đáng chú ý.

Động lực tăng trưởng mới cho kinh tế năm 2024

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng nhận định kinh tế thế giới vẫn trong giai đoạn chuyển đổi sâu sắc, mang tính bước ngoặt.

Thứ nhất, kinh tế thế giới vẫn trong giai đoạn chuyển đổi sâu sắc, mang tính bước ngoặt. Tính bất định, bất ổn, bất trắc trong năm 2024 sẽ tiếp tục gia tăng với hơn 70 cuộc bầu cử diễn ra tại nhiều quốc gia, dự báo kéo theo nhiều điều chỉnh chính sách kinh tế đáng chú ý.

Báo cáo Triển vọng toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 09/1 dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 sẽ giảm xuống mức 2,4%, đây là năm giảm thứ ba liên tiếp và thấp hơn 0,75% so với mức trung bình của giai đoạn trước. Tốc độ tăng thương mại toàn cầu chỉ bằng một nửa so với trước đại dịch. 

Cùng với đó, WB nhận định toàn cầu vẫn có cơ hội xoay chuyển cục diện tăng trưởng hiện nay thông qua việc triển khai các chính sách đồng bộ nhằm kích hoạt “đầu tư bùng nổ” (investment booms).

"Các nước đang phát triển ước tính cần đầu tư 2,4 nghìn tỷ USD/năm đến năm 2030 để đạt các mục tiêu phát triển bền vững, cần đánh giá sâu thêm tác động đến Việt Nam", bà Hằng lưu ý.

Thứ hai, địa chính trị toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, các điểm nóng xung đột ngày càng gia tăng, đặt ra nhiều hệ luỵ đa chiều đối với kinh tế toàn cầu, nhất là phân mảnh kinh tế ngày càng sâu sắc.

Hội nghị WEF Davos 2024 sẽ diễn ra vài ngày tới đây cũng đặt chủ đề về “Khôi phục lòng tin”, cho thấy tính cấp bách hiện nay của việc duy trì hợp tác, kiểm soát rủi ro trong cạnh tranh nước lớn và thúc đẩy vai trò của đoàn kết quốc tế và chủ nghĩa đa phương.

Thứ ba, liên kết kinh tế quốc tế đang chuyển biến mạnh mẽ gắn với xu thế chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Nhiều nhận định cho rằng các điều chỉnh của liên kết kinh tế hiện nay diễn ra với tốc độ nhanh, nội hàm ngày càng phức tạp, bao gồm nhiều vấn đề sau biên giới quốc gia, đồng thời định hình các “luật chơi mới” tạo ra sức ép bắt buộc phải thực thi, tác động đến khả năng cạnh tranh, thích ứng của các nước đang phát triển. Do đó, cần phân tích xu thế mới tác động đến sự phát triển của kinh tế Việt Nam. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương cho biết, kết quả cho thấy, GDP năm 2023 tăng 5,05%, lạm phát 3,25% - thấp hơn mục tiêu đề ra. Song theo ông Nguyễn Đức Hiển, tăng trưởng GDP thời gian qua của nước ta có sự đóng góp rất quan trọng của đầu tư công là chính, trong khi đó đầu tư tư nhân còn rất thấp, chỉ đạt 2,7%- đây là mức thấp so với giai đoạn từ 2019-2023. So với giai đoạn trước, năm 2019 thấp hơn 6,3 lần, năm 2020 là năm dịch Covid bùng nổ nên giảm thấp hơn 1,1 lần, 2021 là 2,6 lần, 2022 là 3,3 lần.

Từ câu chuyện này, vấn đề đầu tiên cần bàn thảo tại diễn đàn, theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, là trong thời gian tới chúng ta cần động lực thúc đẩy đầu tư tư nhân thông qua hoạt động kích cầu đầu tư là vô cùng quan trọng. 

Qua việc triển khai báo cáo các bộ ngành, ông Nguyễn Đức Hiển thấy rằng các cơ chế chính sách đặc biệt cho khu vực kinh tế tư nhân còn rất nhiều rào cản, chính sách chưa đưa vào thực tiễn được. Việc thúc đẩy các cơ chế chính sách nhằm tạo ra các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế là vô cùng quan trọng.

Có được kết quả trên, chúng ta không phủ nhận sự nỗ lực, cố gắng chung của tất cả hệ thống. Mặc dù vậy, nói một cách thẳng thắn, ông Nguyễn Đức Hiển cho rằng lĩnh vực công nghiệp trong tăng trưởng chúng ta mất hoàn toàn vị trí vai trò là chủ đạo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Công nghiệp giai đoạn 2019-2023, kể cả 2 năm khủng hoảng lớn, công nghiệp vẫn có đóng góp giá trị cao, nhưng năm nay công nghiệp mất vai trò động lực.

Vấn đề thứ hai, những có chế chính sách nào để vực dậy lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo quan trọng của Việt Nam. Trong khi đó, đặc điểm của tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào khu vực FDI và xuất khẩu đặc biệt trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.

Ông Nguyễn Đức Hiển cho rằng về dài hạn, trong Nghị quyết 29 ban hành năm 2022 của Ban kinh tế Trung ương khoá 13 đã đưa ra định hướng dài hạn trong phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nghị quyết đặt ra nhiều chương trình, nhiệm vụ như xây dựng, tăng cường năng lực sản xuất, thiết kế, chế tạo Việt Nam (Make in Vietnam).

Động lực tăng trưởng mới cho kinh tế năm 2024

Ông Nguyễn Đức Hiển nhận định, cơ chế chính sách cho khu vực kinh tế tư nhân còn nhiều rào cản.

Tuy nhiên, chúng ta cần xem các cơ chế, chính sách này đã làm được những gì, làm đến đâu. Chúng ta cũng đặt ra các mục tiêu về các cơ chế, chính sách thúc đẩy 6 ngành công nghiệp nền tảng. Một trong những ngành có nhiều thuận lợi khi chúng ta đặt quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ là công nghiệp công nghệ số trong đó có công nghiệp bán dẫn, vậy chính sách là gì, triển khai cơ chế chính sách ra sao?

Cũng trong lĩnh vực công nghiệp, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52 (ban hành tháng 9/2019) về chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó đặt ra ra nhiệm vụ quan trọng là ban hành các cơ chế chính sách thúc đẩy sản xuất thông minh. Câu chuyện này cũng cần được nhìn nhận ra sao trong tăng trưởng công nghiệp.

Vấn đề thứ ba, ông Nguyễn Đức Hiển cho rằng ngành dịch vụ năm nay có sự đóng góp khá vào tăng trưởng kinh tế, đạt mức tăng 6,82% - đóng góp lớn vào giá trị tăng thêm của GDP. Trong đó tính chung cả năm 2023, du lịch Việt Nam đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế. Con số này gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách.

Tuy vậy, số lượng này mới chỉ bằng 70% năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Lúc này, câu hỏi đặt ra là cần cơ chế chính sách gì để tăng giá trị thực sự của ngành dịch vụ, cũng như thúc đẩy các ngành dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế kể cả một số lĩnh vực chúng ta đang có chính sách phục hồi nhưng còn khó khăn, như bất động sản…

Vấn đề thứ tư, năm nay chúng ta xuất siêu nhưng một phần do nhập khẩu giảm mạnh, trong khi đó cơ cấu nhập khẩu là các nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất trong nước. Nhập khẩu giảm mạnh chứng tỏ nội lực nền kinh tế, các yếu tố đang đặt ra nhiều vấn đề. Nên chất lượng xuất siêu, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng, đặc biệt trong các thị trường, năm 2023 đạt nhiều thành tựu nhưng lại tăng chủ yếu từ Trung Quốc, còn các thị trường lớn như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ… đều giảm trong khi chúng ta đã tham gia cơ bản các cam kết quốc tế.

Như vậy, việc khai thác các FTA, các thị trường mới đến đâu, đã có chính sách gì cho vấn đề này… “Vấn đề này cần được mổ xẻ cụ thể trong diễn đàn để có những giải pháp làm động lực cho tăng trưởng”, ông Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.

Vấn đề thứ năm, liên quan tới an sinh việc làm. Tính cả năm 2023, việc làm được đảm bảo hơn, thu nhập tăng hơn nhưng tại sao bảo hiểm trợ cấp thất nghiệp một lần lại tăng, chúng ta chi trả trong năm là 1,05 lượt – con số này tăng so với cùng kỳ năm trước. Phải chăng, sự bền vững của việc làm, của các ngành sản xuất là dấu hỏi.

“Chúng tôi thống kê, các trung tâm sản xuất công nghiệp, tình trạng thất nghiệp lại lớn, điều này cũng dễ hiểu vì sản xuất công nghiệp suy giảm tại các trung tâm như Quảng Nam, Bắc Ninh…”, ông Nguyễn Đức Hiển đặt vấn đề. Đâu là những vấn đề cần giải quyết trong dài hạn?

Vấn đề thứ sáu, năm 2023 kinh tế số, chuyển đối số đóng góp quan trọng vào nền kinh tế, quốc tế đánh giá tốc độ tăng của Việt Nam đạt 19% - cao nhất khu vực. Đóng góp của kinh tế số vào GDP cũng tăng, 16,5%. Trong triển khai cũng đạt nhiều vấn đề tốt, nhưng cần xem xét việc thúc đẩy, dịch chuyển chuyển đổi số trong sản xuất thông minh trong lĩnh vực công nghiệp thực chất là gì? Nếu tăng trưởng của kinh tế số vẫn dựa chính chủ yếu là đóng góp giá trị gia tăng từ xuất khẩu của ngành công nghiệp điện tử và mang lại giá trị gia tăng cho Việt Nam không nhiều, thì chúng ta vẫn là gia công.

Tăng của thương mại điện tử nhưng quan trọng là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, thúc đẩy chuyển đổi số. 4 năm triển khai Nghị quyết 52 rất nhiều chính sách chưa được thể chế hoá, như triển khai các sandbox vẫn còn vướng, nếu triển khai các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát vẫn dừng lại ở các nghị định không đầu thì sẽ bế tắc trong thời gian tới. Chúng ta mới loay hoay thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt, qua hệ thống thanh toán nhỏ mobile money là chậm tiến… thực chất vướng ở đâu… Hay các cơ chế chính sách cho phát triển, chia sẻ dữ liệu…

Do vậy, theo ông Hiển cần có chính sách thực sự, kích cầu đầu tư đặc biệt đầu tư tư nhân, cần nhìn nhận thẳng thắn chính sách cho đầu tư tư nhân và cả khu vực nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước trừ những dự án dầu khi có sự quyết liệt của Chính phủ, còn lại các doanh nghiệp Nhà nước không có đầu tư mới, họ bế tắc về chính sách cho thúc đẩy đầu tư của chính mình.

Do đó, những vướng về Luật ngân sách, Luật 69 cần được tháo gỡ, được chia sẻ. Kể cả đầu tư công cũng cần được đánh giá, nhìn nhận. WB đã từng kiến nghị, trong đầu tư công của Việt Nam cần cân nhắc chú trọng đầu tư cho khoa học công nghệ, chuyển đổi số bên cạnh đầu tư cho hạ tầng. Vì đầu tư cho hạ tầng công nghệ, giáo dục chưa được bao nhiêu.

Kích cầu cho tiêu dùng cũng là vấn đề cần bàn thảo, vì chỉ số 9,6% tăng giá bán lẻ rất thấp so với 20% so với năm trước. Gần Tết chi tiêu mua sắm cũng trầm lắng hơn so với năm trước, trong khi đó tiền gửi tăng 13,5 triệu tỷ đồng… Cần có cơ chế đưa dòng tiền này vào sản xuất, đầu tư để phát triển…