PGS.TS Tạ Văn Lợi, Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, trường Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ với DĐDN mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6 – 6,% trong năm 2024 theo Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội.
Theo ông, để đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2024 từ 6 - 6,5% của Quốc hội, Việt Nam cần phải tập trung vào những mũi nhọn tăng trưởng nào để đạt được kỳ vọng này?
Đối với các kịch bản tăng trưởng, trước đây chúng ta chủ yếu dựa vào sự tăng trưởng của thành phần kinh tế tư nhân. Đến giai đoạn sau là thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đồng thời, cũng đang cố gắng tạo ra những tập đoàn tư nhân Việt Nam lớn, đủ tầm cạnh tranh quốc tế.
Tuy nhiên, đến thời điểm này cần phải có sự hợp lực, hợp tác, liên kết đa ngành giữa các thành phần kinh tế với nhau. Từ trước đến nay chúng ta chưa có sự hợp tác sâu sắc giữa các thành phần kinh tế để chuyển giao và tạo ra sức lan toả. Đây là nút thắt lớn cần tháo gỡ.
Muốn duy trì tốc độ tăng trưởng cao thì đòi hỏi phải có cơ chế để các doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ, lan toả công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi đó, mới hy vọng giữ được đà và nhịp tăng trưởng, sau đó bước dần đến “nấc thang” tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mặc dù, về mặt chiến lược các nước như Mỹ, EU, Trung Quốc… đều mong muốn vai trò của Việt Nam ngày càng lớn hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và trở thành một trung tâm sản xuất mới của thế giới.
Tuy nhiên, việc này đòi hỏi cần có sự hỗ trợ và giúp đỡ của chính các công ty chủ chốt trong việc tạo ra sản phẩm chất lượng cao.
Có ý kiến chuyên gia cho rằng, muốn tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất trong năm 2024, chúng ta cần phải tiếp tục giảm thuế, phí. Ông bình luận như thế nào về đề xuất này?
Giảm thuế, phí… chỉ là giải pháp tạm thời, không phải là vấn đề cốt lõi để hỗ trợ tăng trưởng. Giải pháp căn cơ thúc đẩy tăng trưởng là dựa vào nội lực của từng doanh nghiệp, như nâng cao năng suất lao động, ứng dụng công nghệ hiện đại, kỹ năng quản trị doanh nghiệp tốt…
Hỗ trợ thuế, phí chỉ như “bà đỡ” giúp doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn nhất, không thể lấy việc hỗ trợ thuế, phí làm động lực tăng trưởng. Nội lực của chính doanh nghiệp mới là cốt lõi để giúp doanh nghiệp cạnh tranh và phát triển bền vững.
Đặc biệt, giới chuyên gia khuyến nghị Chính phủ không nên có động thái tăng hoặc bổ sung thuế, phí mới. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Chúng ta không nên tăng thuế, phí trong giai đoạn hiện nay. Vì bản chất của thuế, phí đối với doanh nghiệp cũng là một dạng chi phí. Tăng thuế nhưng giá hàng hoá không tăng thì thua thiệt là doanh nghiệp.
Còn tăng thuế, phí mà giá hàng hoá tăng thì người tiêu dùng chịu thiệt. Do đó, trong giai đoạn hiện nay khi nền kinh tế chưa phục hồi, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn thì không nên tăng thuế, phí.
Để tăng trưởng như ở mức kỳ vọng từ 6 – 6,5%, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải ổn định nền kinh tế vĩ mô, ổn định lạm phát, đảm bảo nguồn cung tài chính cho nền kinh tế, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận và lập kế hoạch kinh doanh mới trong một chu kỳ tăng trưởng mới.
Ông kỳ vọng như thế nào về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024?
Tôi hy vọng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mới. Tuy nhiên, với những dấu hiệu cũng như các số liệu kinh tế cho thấy, có thể những tháng đầu năm 2024 doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn do chưa giải quyết hết những cản trở trong tăng trưởng kinh tế.
Chỉ khi kinh tế thế giới “ấm trở lại”, các mối quan hệ và mâu thuẫn giữa các nước lớn được bình thường hoá… lúc đó mới tạo cơ hội gia tăng các đơn hàng.
Đối với kinh tế trong nước, chỉ khi có sự gia tăng thu nhập thì mới tăng được tổng cầu, tăng tiêu dùng… lúc đó mới tạo ra một chu kỳ tăng trưởng kinh tế mới.
Trân trọng cảm ơn ông!