Ngoài yếu tố dịch bệnh thì sức mua dù được dự báo tăng trong dịp Tết Nguyên đán, nhưng cũng khiến thị trường khó có hy vọng phục hồi. 

Giá lợn hơi giảm sâu, người chăn nuôi bất an

Theo dự báo, từ nay đến Tết nguyên đán giá lợn hơi tăng không đáng kể nên người chăn nuôi ngại tái đàn.

Thời gian qua giá lợn hơi trong nước liên tục giảm và giao dịch ở mức thấp khiến người chăn nuôi rơi vào thua lỗ, lo lắng cho vụ Tết Nguyên đán sắp tới. Thậm chí, rất nhiều hộ chăn nuôi có tâm lý “ngại” tái đàn.

Tại xã Ngọc Lũ (Bình Lục, Hà Nam) - nơi được coi là thủ phủ chăn nuôi lợn miền Bắc, giá lợn hơi đang giảm sâu khiến người chăn nuôi bất an, lo vụ Tết thua lỗ. Ông Trần Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ (Bình Lục, Hà Nam) cho biết, tổng đàn lợn toàn xã đã giảm rất sâu, chỉ còn khoảng 8.000 - 10.000 con, giảm hơn 80% so với đầu năm và giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm 2022.

“Theo dự báo, từ nay đến Tết nguyên đán giá lợn hơi tăng không đáng kể nên người chăn nuôi ngại tái đàn vào thời điểm này”, ông Chung chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Chung, một chủ hộ chăn nuôi tại xã Ngọc Lũ, Bình Lục, Hà Nam đánh giá giá lợn thời điểm này đang thấp hơn mọi năm, cùng với đó dịch bệnh nhiều, trong bối cảnh đó lợn nhập lậu tràn về nhiều khiến người chăn nuôi chịu lỗ.

Ông Chung cho biết, bắt đầu vào thời kỳ cao điểm phục vụ nhu cầu Tết nhưng giá lợn hơi bình quân chỉ chỉ đạt khoảng 47.000 đồng/kg tại cửa chuồng.

“Thông thường để người chăn nuôi có lãi, giá lợn hơi bán ra từ 55.000 – 60.000 đồng/kg, với giá bán như hiện nay người chăn nuôi lỗ 400.000 - 700.000 đồng/con”, ông Chung nói.

Lý giải giá lợn hơi liên tục giảm sâu, ông Chung cho rằng nguyên nhân chính là cung vượt cầu, đặc biệt dịch bệnh diễn biến phức tạp, không chỉ xảy ra với người chăn nuôi đơn lẻ mà còn ảnh hưởng đến cả các trang trại chăn nuôi lớn.

“Khi các công ty có lợn bị dịch họ sẽ chấp nhận giá nào cũng bán, mỗi trang trại có đến hàng nghìn con, dẫn đến ứ đọng trên thị trường. Do cung vượt cầu nên giá lợn xuống sâu.Bên cạnh đó, giá lợn các nước trong khu vực thấp hơn của Việt Nam nên các thương lái tìm cách đưa về Việt Nam qua đường nhập lậu”, ông Chung bày tỏ.

Trang trại của gia đình ông P.B.T ở xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam hiện có khoảng 200 con lợn thịt chuẩn bị xuất chuồng nhưng giá lợn hơi liên tục giảm sâu nên ông T chưa muốn bán.

Cách đây gần 1 tháng, khi giá lợn hơi có dấu hiệu lao dốc mạnh, ông T. đã bán hơn 100 con với mức giá 52.000 đồng/kg. Thời điểm đó, nếu giá cao thì ông T. đã có thể xuất hết số lợn khoảng 300 con trong chuồng, nhưng ông vẫn giữ lại đợi giá phục hồi.

Giá lợn hơi giảm sâu, người chăn nuôi bất an

Mặc dù đang bắt đầu vào thời kỳ cao điểm phục vụ nhu cầu Tết, nhưng giá lợn hơi bình quân chỉ chỉ đạt khoảng 47.000 đồng/kg tại cửa chuồng.

“Nhưng giá lợn lại tiếp tục giảm sâu, chỉ còn 47.000 đồng/kg, nên đã lỗ lại càng thêm lỗ. Tính trung bình mỗi một ngày 200 con ăn hết gần 10 bì cám, tôi phải gánh lỗ hơn 3 triệu đồng, chưa kể tiền điện nước", ông T chia sẻ.

Chị L.T.C, một hộ chăn nuôi quy mô lớn ở xã Ngọc Lũ cho hay, giá lợn hơi hiện nay khoảng 47.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi không dám tái đàn. Với số lượng đàn lợn hàng trăm con đã đến kỳ xuất chuồng, gia đình chị C. rất lo lắng vì lợn to ăn nhiều nhưng lại chậm tăng cân.

“Chúng tôi đang cố gắng chịu lỗ để trông chờ vào giá lợn hơi quay đầu tăng vào dịp Tết. Nếu giá không được cải thiện thì sẽ phải treo chuồng một thời gian dài”, chị C. nói.

Theo ông Nguyễn Thế Chinh, Trưởng ban quản lý khu chợ lợn huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, số lượng lợn về chợ bình quân khoảng 1.000 con/ngày, tương đương hơn 150 tấn, nhưng lượng bán ra rất thấp, chưa đến 50% mặc dù giá đang chạm đáy.

“Bắt đầu vào thời kỳ cao điểm phục vụ nhu cầu Tết Nguyên Đán nhưng giá lợn hơi bình quân tại chợ chỉ 47.000 - 49.000 đồng/kg. Hy vọng giá lợn hơi sẽ tốt hơn khi mùa cao điểm tiêu thụ dịp Tết Nguyên Đán sắp tới”, ông Chinh cho biết.

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng các đơn vị sản xuất, kinh doanh thịt lợn và các mặt hàng nông sản thực phẩm tổ chức tái đàn thận trọng, không găm hàng, thổi giá.

Doanh nghiệp phân phối cung ứng hàng hóa bảo đảm chất lượng thường xuyên, liên tục tại các điểm bán hàng. Phối hợp với ngành chức năng chủ động nắm nguồn cung sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất để chủ động có phương án phân phối ra thị trường.

"Để ổn định nguồn cung thịt lợn trên thị trường, trong khi chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, các hộ chăn nuôi cần chủ động phối trộn thức ăn để giảm chi phí và hướng tới chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học", ông Nguyễn Xuân Dương gợi ý.