PGS.TS Tạ Văn Lợi, Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, trường Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp bên lề Hội thảo quốc tế: “Việt Nam trong mối quan hệ đối tác với các quốc gia lớn: cơ hội và thách thức” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức, ngày 21/12.
Xu hướng dịch chuyển các dòng chảy thương mại và đầu tư trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay có tác động như thế nào đến Việt Nam, thưa ông?
Đối với Việt Nam, trên thế giới đã có sự dịch chuyển cạnh tranh giữa các nước lớn. Đặc biệt, sau khi thực hiện “xoay trục” sang Châu Á Thái Bình Dương, Mỹ đang muốn tạo ra một chuỗi giá trị không có Trung Quốc, bằng việc hỗ trợ nhiều các quốc gia có thể mang lại sự dịch chuyển các nguồn vốn FDI ra khỏi Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc hiện cũng đang nổi lên như một “lãnh đạo mới” bằng việc thực hiện chính sách “một vành đai, một con đường” để tạo ra chuỗi giá trị mà Trung Quốc sẽ làm chủ.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại không mong muốn có sự tham gia của Ấn Độ vào trong các chuỗi này. Đứng trước tình huống này, Ấn Độ buộc phải tạo ra con đường kết nối giữa Ấn Độ với Trung Đông và EU.
Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam lại đang trở thành điểm sáng mới trong cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.
Đối với Việt Nam, những thị trường xuất khẩu lớn là EU, Mỹ, Nhật Bản. Tuy nhiên, chúng ta cũng lại nhập khẩu nhiều các nguyên vật liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN.
Như vậy, cho dù có sự thay đổi ra sao thì Việt Nam vẫn nằm trong hai chuỗi lớn nhất của thế giới. Đó là chuỗi do Mỹ, EU làm chủ và chuỗi do Trung Quốc làm chủ.
Đây là cơ hội duy nhất giúp Việt Nam có thể tận dụng được tất cả các FTA của hai chuỗi đối tác lớn này. Việt Nam có thể sản xuất và xuất khẩu hàng hoá đến được cả hai chuỗi nước lớn Mỹ và Trung Quốc.
Vậy, theo ông các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng lợi thế này như thế nào?
Việc tham gia hội nhập kinh tế quốc tế luôn có hai mặt. Về mặt tích cực, với một thị trường rộng lớn hơn, nhiều cơ hội được mở rộng hơn khi hàng rào thương mại thuế quan, các hàng rào đầu tư bị dỡ bỏ, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được tiếp cận các đối tác có đủ tiềm năng, trình độ công nghệ...
Về mặt tiêu cực, sẽ xuất hiện nhiều thách thức hơn vì toàn cầu hoá cũng như hội nhập kinh tế quốc tế “không chia đều cho tất cả các quốc gia”. Quốc gia nào có đủ năng lực, tiềm lực thì sẽ chiếm phần lợi thế nhiều hơn.
Việt Nam là nước nhỏ, tiềm lực doanh nghiệp yếu. Mặc dù có cơ hội nhưng thị phần dành cho doanh nghiệp Việt Nam không phải quá lớn. Do đó, muốn tăng năng lực cạnh tranh mạnh mẽ, doanh nghiệp phải tìm được những đối tác chuyển giao công nghệ, phương thức quản lý, đào tạo nguồn nhân lực có sức lan toả lớn…
Việt Nam có thể học các quốc gia đã từng thực thi những “bước đi” hội nhập thành công như Trung Quốc, Singapore, Thái Lan…
Cụ thể, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì để đón nhận được dòng chảy này, thưa ông?
Đối với chuỗi cung ứng từ Mỹ và Châu Âu, doanh nghiệp cần quan tâm hai vấn đề. Một là, tập trung vào sản phẩm bán dẫn hoặc sản phẩm xanh. Các doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng tiếp nhận, cập nhật đổi mới và đáp ứng được tiêu chuẩn của các công nghệ này.
Hai là, doanh nghiệp Việt Nam phải sẵn sàng tâm thế đón nhận những làn sóng đầu tư từ Mỹ và Châu Âu. Nhật Bản, Hàn Quốc là những nước theo sau sẽ đầu tư và mở rộng các hoạt động sản xuất, chuyển giao công nghệ và lan toả cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Để làm được điều này, các doanh nghiệp Việt Nam phải chuẩn bị đủ các điều kiện để tiếp nhận chuyển giao công nghệ, khi đó chúng ta mới hy vọng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông có khuyến nghị gì đối với các doanh nghiệp Việt Nam trước xu thế này?
Thứ nhất, doanh nghiệp Việt Nam phải chuẩn bị tốt những lợi thế cạnh tranh như nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ trước đến nay, các doanh nghiệp FDI cũng như các nhà đầu tư đều cho rằng lợi thế về lao động giá rẻ của Việt Nam đã mất dần.
Thứ hai, đây là giai đoạn Việt Nam thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên đối với chuyển giao công nghệ, có sức lan toả lớn, bảo vệ môi trường, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị tốt nhất cho mình nguồn lực và nhân lực để đón bắt xu hướng này.
Thứ ba, bên cạnh nguồn nhân lực tốt để đón nhận chuyển giao, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất từ nhà máy, trang thiết bị… đến phương thức quản lý phải cập nhật để đảm bảo được việc lan toả cũng như chuyển giao công nghệ một cách thành công.
Trân trọng cảm ơn ông!