Đó là phương án được ông Bùi Xuân Cường - Phó chủ tịch UBND TP.HCM đưa ra tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo Bộ GTVT và các địa phương liên quan trong kế hoạch triển khai Vành đai 4 TP.HCM. 

Dự án Vành đai 4 TP.HCM:  Xin cơ chế đặc thù để thu hút nhà đầu tư

Dự án Vành đai 4 TP.HCM là tuyến đường được quy hoạch từ năm 2011, dài hơn 200 km đi qua 5 tỉnh, thành gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đề xuất cơ chế đặc thù…

Cụ thể, theo ông Cường, Dự án Vành đai 4 TP.HCM là tuyến đường được quy hoạch từ năm 2011, dài hơn 200 km đi qua 5 tỉnh, thành gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Giai đoạn đầu, tuyến đường được giải phóng mặt bằng một lần với quy mô hoàn chỉnh và xây trước 4 làn cao tốc, 2 làn dừng khẩn cấp, tổng mức đầu tư hơn 105.000 tỉ đồng.

Hiện nay, dự án được Chính phủ giao các địa phương là cơ quan có thẩm quyền triển khai đoạn đi qua địa bàn theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong đó, phần qua Long An dài hơn 78 km, Bình Dương 47,5 km, Đồng Nai 45,6 km, Bà Rịa - Vũng Tàu 18,1 km, TP.HCM khoảng 17,3 km.

Cũng theo ông Cường, về cơ bản tuyến chính Vành đai 4 sẽ được đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Song, nếu tách làm các dự án thành phần theo từng địa phương sẽ khó đồng bộ trong quá trình thực hiện. Do vậy, việc triển khai tuyến có thể nghiên cứu theo hướng gộp phần chính cao tốc làm 1 hoặc 2 dự án để phù hợp hơn. Khi thực hiện, một địa phương có thể đứng ra làm cơ quan điều phối chung. Đây được xem là giải pháp dễ kêu gọi đầu tư, thuận lợi cho vận hành, cũng như việc thu phí hoàn vốn khi dự án hoàn thành.

Dự án Vành đai 4 TP.HCM:  Xin cơ chế đặc thù để thu hút nhà đầu tư

Ông Bùi Xuân Cường - Phó chủ tịch UBND TP.HCM: việc triển khai Vành đai 4 có thể nghiên cứu theo hướng gộp phần chính cao tốc làm 1 hoặc 2 dự án để phù hợp hơn. Đây được xem là giải pháp dễ kêu gọi đầu tư, thuận lợi cho vận hành, cũng như việc thu phí hoàn vốn khi dự án hoàn thành.

Đơn cử, chi phí xây dựng tuyến vành đai hiện tính toán sơ bộ hơn 47.000 tỉ đồng, khi triển khai ngân sách tham gia khoảng 50% hoặc đề xuất tỷ lệ cao hơn. Phần còn lại khoảng 25.000 tỉ đồng kêu gọi nhà đầu tư sẽ tương đối khả thi.

“Phần bồi thường, giải phóng mặt bằng có thể chia theo các tỉnh, thành thực hiện. Tùy khả năng cân đối vốn của mỗi địa phương sẽ đề xuất ngân sách Trung ương hỗ trợ. Cách làm trên tương tự như dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô, ông Cường nói.

… để tăng tính hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư

Đáng chú ý, trước đó, báo cáo quá trình nghiên cứu triển khai Vành đai 4, Sở GTVT TP.HCM cho biết các địa phương cơ bản thống nhất quy mô đầu tư giai đoạn một tuyến đường. Tuy nhiên, chiều rộng mặt đường các tỉnh, thành đưa ra hiện chưa đồng bộ nên cần bàn tính thêm để thống nhất. Mặt khác, nguồn vốn dự kiến bố trí cho dự án cũng gặp khó khăn nên các địa phương kiến nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu 50%, tương tự Vành đai 3. Riêng Long An, nguồn vốn Trung ương được đề xuất hỗ trợ 90%.

Vì vậy, để tăng tính hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư, các địa phương kiến nghị chính sách đặc thù triển khai Vành đai 4 là cho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án được vượt quá 50% tổng mức đầu tư.

Theo kế hoạch, dự kiến quý 1/2024 sẽ có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và dự án sẽ được hoàn tất làm cơ sở trình Chính phủ và Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương. Sau khi lựa chọn nhà đầu tư, công trình dự kiến khởi công năm 2025, thi công hoàn thành trong 3 năm.

Liên quan đến nội dung điều chỉnh, UBND TP.HCM đã chấp thuận điều chỉnh hướng tuyến Vành đai 4 (đoạn qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai) theo 1 trong 3 phương án đề xuất trước đó của Sở GTVT TP.

Cụ thể, theo phương án điều chỉnh, phần đầu tuyến dài khoảng 9,7 km sẽ nắn chỉnh về phía đông nam, tránh đường Bàu Lách và Nguyễn Thị Rành. Gần 4 km tiếp theo cũng nắn lại để tránh đường Trung Viết, Cao Thị Bèo. Nhờ vậy, tuyến đường tránh được đường hiện hữu, tránh được khu dân cư, số hộ dân di dời ít nên giảm chi phí GPMB. Đồng thời, sẽ hạn chế ảnh hưởng các đồ án quy hoạch đã thực hiện, cũng như hạn chế ảnh hưởng tới Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi giai đoạn 2.

Dự án Vành đai 4 TP.HCM:  Xin cơ chế đặc thù để thu hút nhà đầu tư

Theo kế hoạch, dự kiến quý 1/2024 sẽ có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và dự án sẽ được hoàn tất làm cơ sở trình Chính phủ và Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương. Sau khi lựa chọn nhà đầu tư, công trình dự kiến khởi công năm 2025, thi công hoàn thành trong 3 năm.

Và nếu áp dụng theo cách này, dự án giảm kinh phí đầu tư giai đoạn 1 còn khoảng 13.800 tỉ đồng, giai đoạn hoàn thiện khoảng hơn 22.300 tỉ đồng. Ngoài ra, khu vực ngoài tuyến đường hiện hữu còn có thêm tuyến mới song hành đường Vành đai 4 nên lưu thông sẽ tốt hơn.

Từ những lập luận trên, UBND TP.HCM đã giao Sở GTVT khẩn trương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành, đơn vị liên quan. Sau đó tham mưu, đề xuất UBND TP.HCM trong tháng 10.

Trong đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc được giao khẩn trương chủ trì, phối hợp UBND huyện Củ Chi và các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện điều chỉnh cục bộ các đồ án quy hoạch theo quy định và cơ chế chính sách đặc thù quy định tại Nghị quyết số 98/2023/QH15.