Cần có giải pháp căn cơ…

Đáng nói, bên cạnh các địa phương không có nguồn, mỏ VLXD phải chạy đôn chạy đáo đề nghị Trung ương và các địa phương có nguồn VLXD, hỗ trợ, thậm chí xin cơ chế đặc thù… thì nhiều địa phương có nguồn, mỏ VLXD cũng còn khá lúng túng vì vướng thủ tục pháp lý dẫn đến việc trúng đấu giá nhưng cũng không thể đưa mỏ vào vận hành khai thác. Đây là một thực trạng xảy ra tại nhiều địa phương khiến tiến độ của các dự án đầu tư công, trọng điểm không thể về đích đúng hẹn.

Thiếu vật liệu xây dựng: Cần có giải pháp căn cơ, đồng bộ

Hàng nghìn km cao tốc Bắc – Nam và hàng trăm các dự án trọng điểm trải dài khắp 63 tỉnh, thành, là một áp lực lớn cho nhiều địa phương khi thiếu nguồn VLXD để triển khai các dự án đầu tư công.

Bên cạnh những khó khăn thiếu nguồn vật liệu xây dựng, thì thủ tục pháp lý phức tạp, rườm rà đã tạo ra thị trường khan hiếm và vô tình đẩy giá VLXD tăng cao, là một trong những nguyên nhân khiến cả chủ đầu tư và nhà thầu thi công đứng ngồi không yên.

Song, nguyên nhân sâu xa dẫn đến thiếu nguồn cung VLXD được các chủ đầu tư, nhà thầu thi công nhận định, thì đâu đó “còn thiếu sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý Nhà nước; sự thiếu đồng bộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tham mưu của các cơ chức năng; chưa thực sự mạnh dạn đề xuất các giải pháp căn cơ, thậm chí vẫn tồn tại quan điểm sợ sai không dám làm, hoặc buộc các doanh nghiệp phải để xuất theo cơ chế “xin cho”, đã dẫn đến những tồn tại và không thể giải quyết triệt để các vấn đề".

Câu chuyện về dự án Vành đai 3 TP.HCM có thể nói là một ví dụ điển hình. Cụ thể, trao đổi với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết: Dự án đường vành đai 3 TP.HCM, có tổng chiều dài khoảng 76,34 km, đi qua địa phận TP.HCM và 03 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, được chia thành 08 dự án thành phần vận hành độc lập. Do đó, nhu cầu về vật liệu xây dựng cũng như vật liệu san lấp cho dự án này là rất lớn. Vì vậy, TP.HCM đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng và các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long sớm xem xét, giải quyết các vướng mắc về nguồn vật liệu cát đắp cho các dự án; chủ trì hướng dẫn các địa phương thủ tục khai thác mỏ vật liệu cung cấp cho dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải tại Thông báo số 368/TB-VPCP ngày 02 tháng 12 năm 2022.

Cũng theo ông Phúc, tuy nhiên, tại văn bản số 1606/UBND- KTN, ngày 27/11/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã có văn bản từ chối vì cho rằng: Hiện nay An Giang không còn khả năng hỗ trợ nguồn cát cho TP.HCM thực hiện dự án đường Vành đai 3. Bởi, nguồn cát trên địa bàn tỉnh An Giang đều đã huy động để phân bổ cho các dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc khu vực ĐBSCL. Bao gồm: cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng qua địa bàn tỉnh An Giang hơn 9,3 triệu m3, qua địa bàn Hậu Giang và Cần Thơ là 7,5 triệu m3, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là 7 triệu m3. Ngoài ra, lượng cát của tỉnh An Giang còn phải cung cấp cho các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

“Đây là vấn đề rất quan trọng cần có giải pháp căn cơ, do đó, trong thời gian tới BQLDA sẽ phải báo cáo với lãnh đạo TP tổ chức cuộc họp để đưa ra các giải pháp nhằm giải bài toán VLXD không chỉ cho riêng dự án Vành đai 3, mà còn một số các công trình, dự án trọng điểm khác nhằm đảm bảo nguồn VLXD cho các dự án nếu không sẽ ảnh hưởng tới tiến độ của các dự án”, ông Phúc nói.

Thiếu vật liệu xây dựng: Cần có giải pháp căn cơ, đồng bộ

Ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM: trong thời gian tới BQLDA sẽ phải báo cáo với lãnh đạo TP tổ chức cuộc họp để đưa ra các giải pháp nhằm giải bài toán VLXD không chỉ cho riêng dự án Vành đai 3, mà còn một số các công trình, dự án trọng điểm khác.

…  và linh hoạt khi thực hiện các thủ tục

Trái ngược lại, câu chuyện thiếu nguồn VLXD tại địa bàn tỉnh Phú Yên lại khiến các chủ mỏ, nhà thầu thi công lại tỏ ra khá bức xúc, mặc dù đã trúng đấu giá mỏ hơn 2 năm nhưng không thể đưa vào khai thác, vận hành. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do nhiều chủ đất yêu cầu mức giá cao hơn nhiều lần mức giá đền bù, dẫn đến việc đàm phán, thỏa thuận không thành công. Chủ mỏ thì mất đối tác, còn nhà thầu thi công phải chủ động khảo sát các mỏ mới không nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án làm ảnh hưởng đến thời gian, tiến độ do phải hoàn thiện hồ sơ, thủ tục.

Liên quan đến những bất cập về việc vướng các thủ tục pháp lý dẫn đến thiếu nguồn VLXD, ông Hồ Minh Hiếu – Chủ tịch Tập đoàn Nắng Ban Mai cho rằng: bên cạnh những nguyên nhân vướng các thủ tục pháp lý cũng như các quy định hiện hành thì còn có cả những nguyên nhân chủ quan từ phía địa phương, khiến nhiều mỏ VLXD không thể đưa vào vận hành, khai thác. Đơn cử, theo quy định khi các mỏ VLXD được đưa ra đấu giá thì các cơ quan chức năng, địa phương đã phải xây dựng đồng bộ các phương án làm đường, mở rộng, đấu nối hạ tầng giao thông để doanh nghiệp trúng đấu giá, chủ mỏ có thể vận chuyển VLXD ra khỏi mỏ, đến công trình, bãi tập kết. Tuy nhiên, trên thực tế thì đa phần các chủ mỏ vẫn phải vận chuyển VLXD bằng đường hiện hữu, dân sinh với trọng tải thấp và hạn hẹp, ảnh hưởng lớn cuộc sống của người dân. Đây là vấn đề hết sức bất cập và đang là rào cản lớn khiến doanh nghiệp không thể xoay sở.

Thiếu vật liệu xây dựng: Cần có giải pháp căn cơ, đồng bộ

Ông Hồ Minh Hiếu – Chủ tịch Tập đoàn Nắng Ban Mai: để giải bài toán VLXD, các sở, ban, ngành của địa phương cần chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó, hướng dẫn doanh nghiệp (chủ mỏ), xử lý kịp thời các tình huống phát sinh và linh hoạt khi thực hiện các thủ tục; đề xuất tăng trữ lượng, mở rộng phạm vi các mỏ VLXD còn thời gian.

Cũng theo ông Hiếu, việc quy hoạch, mở đường, kết nối hạ tầng giao thông là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, thế nhưng doanh nghiệp lại phải làm thêm một việc nữa thay cho các cơ quan chức năng là đề xuất, kiến nghị về vấn đề này là hết sức bất cập.

"Chưa kể, khi doanh nghiệp đề xuất thì dường như các văn bản trả lời đều khá chung chung và mất khá nhiều thời gian. Đơn vị này hỏi đơn vị kia, thậm chí không xác định được đơn vị nào là cơ quan chủ thể để giải quyết vấn đề. Sở ngành nói thẩm quyền của địa phương, còn địa phương lại nói thẩm quyền của sở ngành. Tình trạng “đá bóng” trách nhiệm dẫn đến cảnh “cha chung không ai khóc”, còn doanh nghiệp thì bế tắc", ông Hiếu bức xúc.

Vì vậy, ông Hiếu cho rằng, để giải quyết bài toán này, các sở, ban, ngành của địa phương cần chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp trong việc hướng dẫn doanh nghiệp (chủ mỏ), xử lý kịp thời các tình huống phát sinh và linh hoạt khi thực hiện các thủ tục; đề xuất tăng trữ lượng, mở rộng phạm vi các mỏ VLXD còn thời gian, trữ lượng của các mỏ đang khai thác; hạn chế cấp các mỏ có trữ lượng thấp, manh mún, để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của các dự án đầu tư công tại địa phương cũng như yêu cầu của thị trường. Đồng thời xử lý nghiêm, mạnh tay những hành vi thao túng, khai thác trái phép khoáng sản, đầu cơ… nhằm tạo ra khan hiếm ảo và đội giá VLXD, ảnh hưởng tới tiến độ của các dự án.