Mặc dù bị ảnh hưởng khá lớn từ cơn bão số 3, nhưng năm nay, na trái vụ của huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang vẫn cho năng suất cao, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho nông dân.
Giàu lên nhờ na
Thời điểm này, vùng chuyên canh na của Lục Nam gồm các xã: Huyền Sơn, Nghĩa Phương, Đông Phú,… đang bước vào cao điểm thu hoạch. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3 hồi đầu tháng 9/2024, nhưng năm nay, na trái vụ vẫn cho năng suất cao, giá thành ổn định.
Gắn bó với nghề trồng na nhiều năm nay, gia đình anh Lương Văn Tích và chị Bế Thị Hoa, thôn Suối Ván, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đang tất bật thu hoạch, đóng hàng vận chuyển đi các nơi tiêu thụ. Anh Lương Văn Tích cho biết, gia đình anh trồng khoảng hơn 1000 cây na trên diện tích hơn 2 mẫu ruộng (khoảng hơn 7.200m2). Trồng na tuy chi phí đầu tư không lớn nhưng cũng mất khá nhiều công chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Tuy nhiên, na thường ít mất mùa, khí hậu thổ nhưỡng phù hợp nên chất lượng na thơm ngon nên được nhiều người ưa chuộng, giá thành khá cao trên thị trường. Năm nay, giá na dao động khoảng 50.000 – 60.000 đồng/kg. Trung bình mỗi năm, gia đình anh Tích, chị Hoa thu nhập khoảng 500 triệu đồng nhờ na.
Na dai của huyện Lục Nam từ lâu nổi tiếng bởi hương vị thơm, ngọt mát, bùi, dẻo dai, được nhiều người biết đến. Cây na dai được trồng ở Lục Nam từ lâu để ăn chơi cho đến khoảng những năm 1987-1988, nhiều người được ăn, thấy giống na ngon, họ để giống và đặt vườn. Quả na dai Lục Nam bắt đầu vươn xa, theo chân các thương lái đến nhiều vùng khác nhau.
Từ những năm 1990, người dân Lục Nam bắt đầu phát triển thêm diện tích trồng na. Đặc biệt, khoảng 20 năm trở lại đây, cây na trở thành cây phát triển kinh tế chính của địa phương. Trải qua hàng chục năm trồng, chăm sóc, người trồng na ở Lục Nam đã tuyển chọn được các giống na ngon, tìm ra cách chăm sóc để cho na ra sai quả. Việc trồng na dai Lục Nam cũng đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của người dân địa phương. Doanh thu trung bình khoảng 310 triệu đồng/ha.
Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào trồng na
Trả lời phóng viên, chị Bế Thị Hoa cho biết, để có được sản lượng cũng như thu nhập cao từ cây na như vậy, chị đã cho na ra hoa đậu quả vào 2 vụ: na chính vụ và na chiêm. Nếu như vụ na chính vụ chị Hoa chăm sóc cắt tỉa cành, tạo hoa, quả ở đầu các cành, thì đến vụ na chiêm chị sẽ sử dụng biện pháp cắt tỉa cành để lấy được lớp hoa, quả trong thân cây.
Ngoài ra, việc áp dụng khoa học kĩ thuật trong chăm sóc, tỉa cành, thụ phấn cũng là nguyên nhân khiến cây na đảm bảo chất lượng, cho năng suất cao. Được biết, để na chiêm có năng suất, chất lượng cao, người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, kỹ thuật chăm sóc cây na ngay sau thu hoạch chính vụ kết thúc. Biện pháp để na ra trái vụ là cắt tỉa cành, giúp cây được trẻ hóa, thường xuyên đâm chồi mới, ra hoa. Khi nụ hoa hé mở có màu trắng thì tiến hành thụ phấn nhân tạo cho hoa. Sau khi đậu quả, cắt loại bỏ những quả lép, méo khoảng 2 đến 3 đợt/vụ. Bên cạnh đó, người dân ít dùng phân hóa học cho vườn na, thay vào đó bón phân hữu cơ gồm phân trâu (hoặc phân gà) trộn lẫn tro rơm ủ hoai mục. Trong tro rơm có nhiều kali nên quả ngọt, rất bền và cây khỏe mạnh, đủ dưỡng chất nên gần như không có sâu bệnh.
Theo Trung tâm khuyến nông tỉnh Bắc Giang, ở những điểm trồng na dai Lục Nam thường là các sườn đồi có độ dốc <15 độ thuộc địa hình vùng rẻo cao và vùng đồi núi thấp, rất thuận lợi cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất. Do vùng trồng na Lục Nam ở khu vực chân núi và đồi núi thấp, nên chất lượng quả na dai Lục Nam thường ngọt hơn so với các sản phẩm na khác được trồng trên những ngọn núi đá vôi cao. Huyện Lục Nam có dòng sông Lục chảy qua, những dải đất ven sông được bồi đắp phù sa thích hợp với sự phát triển của cây na. Thổ nhưỡng của khu vực địa lý gồm nhóm đất vàng đỏ và nhóm đất tầng mỏng. Đất có thành phần cơ giới trung bình, thịt pha sét và cát. Đất có phản ứng chua nhiều, độ pH H2O tầng 1 dao động 4,4-5,4, độ pH KCl tầng 1 dao động 3,80-4,60. Độ pH ở các vùng đất trồng na dai Lục Nam có sự khác biệt hoàn toàn đối với các vùng trồng na dai khác và rất phù hợp với đặc tính ưa đất chua của cây na.
Đến nay, cây na trên địa bàn huyện Lục Nam đã có đầy đủ các thông tin logo, tem truy xuất nguồn gốc, bao bì sản phẩm. Sản phẩm na dai được chứng nhận OCOP 3 sao đối với 2 HTX na dai Nghĩa Phương (từ năm 2021) và HTX sản xuất Na dai Lục Nam (từ năm 2022).
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...