Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam sẽ được duy trì ở mức 6%.
Theo đó, ADB điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 là 5,2%, giảm so với dự báo trước đó là 5,8%.
“ADB lý giải, sự phục hồi yếu hơn dự kiến do nhu cầu từ bên ngoài suy giảm sẽ tiếp tục cản trở tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp và dịch vụ cũng như làm chậm quá trình phục hồi của việc làm và tiêu dùng trong nước”, ADB khuyến nghị.
Các chuyên gia của ADB cũng khuyến nghị, chính sách tiền tệ nhiều khả năng sẽ thận trọng và chủ động bởi việc các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tăng cường kiểm soát hiệu quả của giá xăng, điện, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, giúp cho việc kiểm soát tình hình lạm phát. Vì vậy, ADB dự báo lạm phát tại Việt Nam được duy trì ở mức 3,8% trong năm 2023 và 4% vào năm 2024.
ADB đã nhiều lần điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam. Hồi đầu năm, tổ chức này nhìn nhận GDP Việt Nam có thể tăng 6,5%, sau đó hạ về 5,8% trong lần đánh giá tháng 7 và 9.
Hồi tháng Mười, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam vẫn rất lạc quan rằng Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng cả năm là 5,8% trong năm 2023. Điều này dựa trên những tín hiệu tích cực trong ngành dịch vụ và xây dựng.
ADB cũng ghi nhận tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp, với giá cả nông nghiệp duy trì ở mức ổn định. Do đó, có một số động lực kinh tế mà chúng tôi tin rằng sẽ đóng góp vào việc giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng 5,8% cho cả năm.
ADB cũng tin rằng việc duy trì động lực đầu tư công đóng vai trò quan trọng bởi điều này sẽ giúp phục hồi các hoạt động kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập để từ đó đẩy mạnh tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, tại báo cáo lần này, ADB đưa về mức 5,2%, đây là lần thứ hai ADB hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam.
Trước đó, báo cáo tại Quốc hội hôm 23/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, GDP năm nay chỉ tăng trên 5%, thấp hơn mức được Quốc hội giao, do nền kinh tế chịu tác động kép chưa từng có, bất chấp các nỗ lực tháo gỡ. Chính phủ sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các giải pháp đưa ra sẽ thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng, gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Lạm phát cũng dự kiến khoảng 3,5-4% trong năm nay.
Trong khi đó, Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 được Quốc hội thông qua mới đây đã đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 ở mức 6-6,5%.
Cũng trong Báo cáo mới của ADB, Ngân hàng ADB đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á và Thái Bình Dương, sau khi cầu nội địa được thúc đẩy mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao hơn dự kiến như ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Nền kinh tế khu vực dự kiến sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm nay, so với mức dự báo trước đó là 4,7% trong tháng 9. Thêm vào đó, ADB cũng dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực trong năm 2024 sẽ được duy trì ở mức 4,8%.