Ngày 18/12, tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị "Kết nối giao thương giữa các hợp tác xã sản xuất dược liệu với các doanh nghiệp xuất khẩu và các tổ chức xúc tiến thương mại". Với sự tham gia chủ trì của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương. Cùng với đó là sự đồng hành của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền - Bộ Y tế; Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã - Liên minh HTX Việt Nam và các đại biểu đến từ các tổ chức Xúc tiến thương mại quốc tế, các công ty Dược của Việt Nam và các HTX Dược liệu tại 63 tỉnh thành Việt Nam tham gia hội nghị và trưng bày triển lãm sản phẩm.
Tăng chuỗi giá trị để phát triển bền vững
Kết nối giao thương giữa nằm trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2023, là một trong những hoạt động thiết thực giúp các cơ sở kinh tế tập thể, hợp tác xã chia sẻ những cơ hội hợp tác kinh doanh, xúc tiến thương mại phát triển sản phẩm hàng hóa trong ngành hàng dược liệu, tiếp cận trực tiếp các nhà phân phối trên thị trường để hợp tác, liên kết đầu tư sản xuất và tiêu thụ. Nhằm tăng cường nhận thức và nhu cầu sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị để phát triển bền vững, xúc tiến thương mại thị trường trong nước, tiến tới xuất khẩu dược liệu. Tạo ra mạng lưới kết nối giữa các đối tác trong và ngoài nước, thu hút được nhiều nguồn lực hỗ trợ sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Giúp quảng bá hình ảnh, mẫu mã, phát triển thương hiệu sản phẩm dược liệu, xúc tiến thương mại, ký kết các hợp đồng kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào quá trình sản xuất kinh doanh, phát triển hình ảnh, thương hiệu “Liên minh HTX Việt Nam”, nâng cao vị thế, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 8 vùng trồng nguyên liệu trên cả nước để trồng 54 loài dược liệu, lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên. Đây sẽ là tiền đề để quy hoạch và phát triển nguồn dược liệu nước ta trong thời gian tới đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước. Với sự đa dạng về khí hậu và thổ nhưỡng - đất đai, ngay từ cuối những năm của thập kỷ 60-80 ở Việt Nam đã hình thành những vùng trồng, sản xuất cây dược liệu có tính chuyên canh. Điều này đã cho thấy nguồn dược liệu ở nước ta rất phong phú. Trong đó khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, Tổ hợp tác, Liên hiệp Hợp tác xã đóng góp một phần quan trọng trong trồng, bảo tồn, khai thác, chế biến... cây dược liệu trên phạm vi cả nước.
Đến thời điểm hiện nay, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tại Việt Nam đã tham gia xuất khẩu nhiều loại dược liệu như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe, kê huyết đằng... nhưng riêng lẻ và với tỷ lệ không đáng kể. Mặc dù tổng giá trị xuất khẩu quế, hồi liên tục tăng, năm 2022 đạt 276 triệu USD, nhưng con số này còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới.
Tại Hội nghị sẽ trưng bày, giới thiệu sản phẩm dược liệu trực tiếp tới người tiêu dùng, là cơ hội giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp làm quen thị trường, tìm hiểu thị hiếu, sức mua của khách hàng, nhu cầu của thị trường; Tạo cơ hội giao lưu, hợp tác giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp, các tổ chức xúc tiến thương mại, mở rộng các kênh phân phối hàng hóa.
Thông qua hội nghị, các phiên tọa đàm trực tiếp với sự tham luận của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam về chủ đề thực trạng thị trường Việt Nam cũng như công tác bảo tồn dược liệu, hội nghị là bức tranh tổng thể về Tinh hoa Dược liệu Việt, về thực trạng các nhà máy, hợp tác xã Việt Nam đang nỗ lực mở rộng diện tích vùng nguyên liệu sản xuất nhiều sản phẩm đa dạng cung ứng cho thị trường Việt và xuất khẩu bên cạnh đó cũng là những ý kiến thảo luận về những khó khăn thách thức của quá trình sản xuất Dược liệu hiện nay để mở ra những kiến nghị, giải pháp gửi đến các bộ ban ngành tại Việt Nam.
Phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế
Đến nay, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã cả nước có 31.364 hợp tác xã (HTX), 120.983 tổ hợp tác (THT); 133 liên hiệp HTX. Theo báo cáo và khảo sát của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, hiện cả nước có hơn 600 HTX chuyên sản xuất dược liệu, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến và xuất khẩu, sơ chế và chế biến sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 đến 5 sao tiêu thụ thị trường trong nước như Sâm Ngọc Linh, bạch quả, cà gai leo, anh thảo, cỏ ngươi, ba kích, đinh lăng, tam thất, ráy gai, vàng đắng. rau má, cỏ mực… với tổng diện tích hơn 3.000 ha.
Trong giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo, khi nhu cầu dược liệu của thị trường trong nước và xuất khẩu tăng lên, thì diện tích và sản lượng dược liệu do HTX và tổ hợp tác sản xuất sẽ tăng mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước; nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Để hỗ trợ phát triển ngành dược liệu trong nước, tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; trong đó, tiểu dự án 2 của giai đoạn I (từ năm 2021-2025) phát triển vùng trồng dược liệu với nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hỗ trợ trực tiếp; cơ chế này thu hút được các nguồn lực đầu tư trồng dược liệu, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết được nguồn lao động cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật không chỉ phục vụ cho công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân mà còn góp phần xóa đói, giảm nghèo, cần có giải pháp hỗ trợ, đầu tư hình thành vùng trồng dược liệu tập trung, quy mô lớn, tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn của quốc tế, gắn với truy xuất nguồn gốc, chất lượng và mã số vùng trồng; xây dựng và phát triển mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị dược liệu. Đây là thế mạnh, phù hợp với xu hướng phát triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn tới.
Vì vậy, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và lợi thế tiềm năng phát triển ngành công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước, đòi hỏi cần phải có những chính sách cụ thể, thúc đẩy sự phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế để huy động được các nguồn lực từ khu vực kinh tế tập thể, Hợp tác xã để phát triển vùng nguyên liệu, tham gia các chương trình, dự án theo mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị dược liệu.
Với vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã, trong những năm tới, hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng đặt mục tiêu tập trung mọi nguồn lực phát triển mô hình hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã, Tổ hợp tác dược liệu trên phạm vi cả nước. Để phát triển công nghiệp dược liệu và các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong nước thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và trên thế giới cần: tập trung đầu tư phát triển các vùng chuyên canh tập trung quy mô lớn, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến dược liệu đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng theo nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế.
Đồng thời tăng cường nghiên cứu nhu cầu thị trường quốc tế, xúc tiến thương mại, xây dựng quảng bá thương hiệu dược liệu Việt trên trường quốc tế. Thực hiện hiệu quả nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước và chính sách tín dụng ưu đãi cho nội dung đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.