Tòa án liên bang Mỹ phán quyết rằng, việc Google bắt các chủ ứng dụng có trên Cửa hàng Android Play phải thanh toán thông qua Google Play là vi phạm luật chống độc quyền Mỹ. Kết quả này sẽ mang lại nhiều hệ lụy to lớn và sâu rộng trong giới công nghệ.
Lý do đầu tiên và có phần hơi khó tin, đây là lần đầu tiên một Big Tech như Google thua kiện chống độc quyền ở Mỹ. Các vụ kiện chống độc quyền thường tạo nên những thay đổi nhất định trong ngành công nghệ, chẳng hạn các thỏa thuận dàn xếp giữa Microsoft và Bộ Tư Pháp năm 2001. Tuy nhiên lần này lại khác biệt hoàn toàn. Kết quả vụ kiện giữa Google và Epic Games có thể tạo nên tác động rộng lớn trên khắp Thung lũng Silicon, bất chấp việc hiện nay đó mới chỉ là vấn đề của Google.
Mat Stoller, một chuyên gia về cạnh tranh, chia sẻ rằng Google có thể gặp rắc rối vì họ đang đối mặt với nhiều vụ kiện chống độc quyền khác. Một quyết định bất lợi cho Google kiểu này có thể tạo nên hiệu ứng lan truyền. Tức là khi tiền lệ đã đặt ra, thì trong mọi vụ kiện về sau, Google có nhiều nguy cơ bị phán quyết có tội, vì bồi thẩm đoàn biết rằng Google từng vi phạm luật chống độc quyền. Thông thường, các thẩm phán sẽ rất thận trọng và có phần lo lắng nếu là bên đưa ra những quyết định kiểu đầu tiên. Tuy nhiên giờ đây họ không cần phải lo lắng hay e ngại nữa.
Lý do thứ hai, quyết định này có thể gây ảnh hưởng sâu rộng đối với toàn ngành, chứ không chỉ Google. Nguyên nhân dẫn đến vụ kiện này là từ một chính sách của Google, trong đó buộc các đơn vị đang sử dụng và phụ thuộc vào Google Play cũng phải sử dụng hệ thống thanh toán của Google Play, với mức phí 30%. Điều khoản ràng buộc kiểu này rất phổ biến trong giới kinh doanh. Vậy nên khi đã có một công ty đứng lên kiện Big Tech như Google về điều khoản ấy, thì chắc chắn trong tương lai sẽ có nhiều vụ tương tự.
Với phán quyết lần này, Epic Games có thể nhận về kết quả mình mong muốn, đó là buộc Google cho phép họ không cần sử dụng hệ thống thanh toán Google Play nữa.
Dĩ nhiên điều này vẫn chưa chắc chắn. Thẩm phán James Donato đang cân nhắc xem nên ấn định các biện pháp nào đối với Google, vì dù sao thì Google cũng sẽ kháng cáo. Tuy nhiên bản thân Google cũng không thể tuyên bố rằng việc tiếp cận hệ sinh thái Android là điều không được phép, vì họ sẽ sớm thực hiện các thay đổi tương tự ở những nơi khác.
Kể từ đầu tháng 3/2024, dịch vụ của những Big Tech có mặt trong danh sách của Ủy ban Châu Âu sẽ phải tuân thủ các nghĩa vụ cạnh tranh nghiêm khắc hơn. Đây là những điều được quy định trong Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số. Với vị trí to lớn của mình, Android và Google Play cũng không thể nằm ngoài.
Với đạo luật mới này, cửa hàng ứng dụng của những bên thứ ba sẽ có nhiều cơ hội để tồn tại, duy trì và phát triển hơn. Khi ấy, cửa hàng Google Play sẽ gặp rắc rối nhất định, vì hiếm có bên thứ ba nào có thể tính phí hoa hồng lên đến 30% như Google.
Trong trường hợp của Apple, đạo luật buộc họ lần đầu tiên phải chấp nhận sự xuất hiện của những kho ứng dụng bên thứ ba. Tác động của sự kiện ấy cũng không khác Google Play là bao.
Tất cả những điều kể trên là dấu hiệu cho thấy thị trường ứng dụng ở châu Âu sẽ có những chuyển biến sâu sắc trong vòng một hoặc hai năm tới. Người dùng Mỹ cũng sẽ nhanh chóng tận hưởng những sự đổi mới tương tự.