Vừa qua, Zara đã cho ra mắt bộ sưu tập Atelier mới của mình. Zara cho biết bộ sưu tập và quảng cáo mới của họ được lấy cảm hứng từ nghề may đo của nam giới từ nhiều thế kỷ trước. Những hình ảnh về quảng cáo mới của gã khổng lồ thời trang nhanh lấy bối cảnh như một xưởng vẽ xưa cũ bị bỏ hoang và đổ nát. Họ bố trí các loạt vật liệu đóng gói, thùng gỗ cùng những ma-nơ-canh cụt chân, cụt tay có con còn được bọc lại với nhựa trắng, các nhà phê bình cho rằng trông chúng y như xác chết. Một số nhà hoạt động ủng hộ Palestine và người dùng mạng xã hội cho rằng quảng cáo của Zara đang chế nhạo người dân ở Gaza.
Lời kêu gọi tẩy chay thương hiệu thời trang nhanh Zara đã nổ ra vào cuối tuần qua sau khi quảng cáo được đăng tải chính thức. Một bài đăng trên Instagram của Zara từ thứ Năm tuần trước về quảng cáo mới này có đến 45.000 lượt thích và hơn 171.000 bình luận. Nhưng chủ yếu là bình luận tiêu cực, lên án quảng cáo, đăng cờ Palestine và kêu gọi tẩy chay. Hashtag #boycottzara tẩy chay Zara nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội. Ở TikTok có tới 19,8 triệu số lượt xem hashtag tẩy chay này. Trên nền tảng X nó cũng đang là xu hướng dù vẫn chưa có số liệu cụ thể.
Nỗi oan của Zara…
Theo Zara tất cả chỉ là hiểu lầm vì chiến dịch đã được thực hiện trước khi cuộc chiến nổ ra. Inditex, công ty mẹ của Zara cho biết chiến dịch này được thực hiện vào tháng 7 và những bức ảnh được chụp vào tháng 9, trước khi Israel và Hamas giao tranh hồi đầu vào tháng 10.
Zara đã xóa hình ảnh của chiến dịch khỏi trang nhất của ứng dụng và trang web của mình. Nhưng họ vẫn giữ một số bài đăng về quảng cáo này trên các trang mạng xã hội như Instagram và X. Inditex cho biết việc xóa bỏ là một phần trong quy trình làm mới nội dung như thường lệ của họ, chứ không phải vì những quảng cáo đó chế nhạo người Gara nên phải xóa bỏ.
Thương hiệu cũng đã đăng một bài riêng để mô tả bộ sưu tập mới của mình và cũng để khẳng định mình vô tội. Theo Zara, bộ sưu tập này giống như một bài tập về thiết kế và nó chỉ nhằm thể hiện những khía cạnh tốt nhất trong khả năng sáng tạo và sản xuất của hãng mà thôi.
Không chỉ riêng Zara…
Năm 2022, Balenciaga đã phát hành một chiến dịch quảng cáo với hình ảnh trẻ em ôm gấu bông đeo dây nịt và mặc các trang phục theo phong cách BDSM (một dạng phong cách tình dục cực đoan). Và sau khi ra mắt chiến dịch quảng cáo này, Balenciaga đã ngay lập tức phải đối mặt với làn sóng phẫn nộ từ khách hàng và các nhà phê bình.
Dolce & Gabbana cũng gặp “xui” vào năm 2018 khi cho ra quảng cáo với hình ảnh những người mẫu chật vật ăn đồ Ý bằng đũa, nhà bán lẻ này đã bị xóa khỏi các trang web thương mại điện tử ở Trung Quốc do bị cáo buộc là phân biệt chủng tộc.
Chẳng rõ những quảng cáo gây hiểu nhầm là ám chỉ các vấn đề tôn giáo, văn hóa và chính trị có lợi gì cho các thương hiệu quốc tế. Nhưng có một điều rõ ràng mà ai cũng nhìn thấy là họ đều phải hứng chịu hàng loạt sự phẫn nộ đòi tẩy chay từ khách hàng. Ít nhiều việc này cũng sẽ gây khó khăn cho nhãn hàng trong việc kinh doanh bán hàng ở các thị trường đó. Bởi vậy các thương hiệu chẳng có lý do gì để đi nhạo báng, thể hiện quan điểm chính trị làm phật ý khách hàng. Nhiều trường hợp “gặp nạn” từ quảng cáo có lẽ xuất phát từ những lý do như thương hiệu chưa tìm hiểu kĩ về đặc điểm văn hóa, chính trị của thị trường mới. Hoặc như Zara là không may gặp xui xẻo, vì chẳng ai đoán được Israel lại chiến tranh với Hamas gần thời điểm họ tung ra quảng cáo.