Thông tư 06 ‘chặn’ vốn ra nền kinh tế

00:00 - 04/12/2023

Thông tư 06/2023 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ đầu tháng 9 đến nay khiến các doanh nghiệp càng khó khăn để tiếp cận nguồn vốn, giảm đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Quy định vô lý, thiếu thực tế

Chỉ trước khi có hiệu lực vài ngày, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải xem xét, sửa đổi một số nội dung tại Thông tư 06/2023 (TT06). Ngay sau đó, NHNN đã ban hành Thông tư 10/2023 để ngưng hiệu lực thi hành một số quy định tại TT06. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn một số quy định vô lý, thiếu thực tế. Cụ thể, khoản 5, điều 26 của TT06 quy định: “Trường hợp cho vay để thanh toán tiền nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, tổ chức tín dụng phải phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay theo quy định của pháp luật, thỏa thuận của các bên tại thỏa thuận cho vay cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm”. 

Tương tự, khoản 2 điều 22 yêu cầu các tổ chức tín dụng: “Trường hợp cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án, có biện pháp kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình tài chính, nguồn trả nợ của khách hàng, đảm bảo khả năng thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay đúng hạn theo thỏa thuận, kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích”. Hai quy định này ảnh hưởng nặng nề đến doanh nghiệp (DN).

Thông tư 06 ‘chặn’ vốn ra nền kinh tế

Quy định tại TT06 của Ngân hàng Nhà nước vô lý, thiếu thực tế

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), các quy định nêu trên chỉ “làm lợi” cho phía NH. Ví dụ đối với trường hợp cho vay để đặt cọc mua nhà ở hình thành trong tương lai, theo quy định của TT06 thì chủ đầu tư dự án (bên nhận đặt cọc) bị phong tỏa tiền đặt cọc, không được sử dụng số tiền mà người mua đặt cọc. Điều này quá bất hợp lý, không bảo đảm quyền sở hữu của chủ tài sản, trong đó có quyền sử dụng số tiền đặt cọc. Trong khi đó, việc các bên không thực hiện đúng thỏa thuận nghĩa vụ bảo đảm (nếu có) thuộc phạm vi điều chỉnh của bộ luật Dân sự 2015. Do vậy, quy định tại TT06 là không phù hợp, thậm chí “trái” với các quy định có liên quan của bộ luật Dân sự.

Ngoài ra, trên thực tế, thường khoảng 30% khách hàng mua bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai vay vốn tín dụng để đặt cọc thì số tiền đặt cọc này lại bị NH phong tỏa, còn đối với khoảng 70% khách hàng sử dụng vốn tự có (không vay vốn tín dụng) để đặt cọc thì số tiền được chuyển vào tài khoản của chủ đầu tư và chủ đầu tư toàn quyền sử dụng. Do vậy, quy định trên cũng không phù hợp với thực tiễn.

HoREA kiến nghị NHNN xem xét bãi bỏ 2 quy định nêu trên để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định của bộ luật Dân sự 2015. “Một số quy định của TT06 không phù hợp, gây khó khăn cho DN trong việc tiếp cận nguồn vốn NH. Rất mong NHNN có chính sách điều chỉnh kịp thời để thực hiện đúng theo Công điện số 993/CĐ-TTg ngày 24.10 của Thủ tướng Chính phủ là tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản; Có giải pháp phù hợp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất; Tiếp tục rà soát cắt giảm hơn nữa các thủ tục hành chính không phù hợp gây phiền hà, tốn kém để DN, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nhấn mạnh.

“Đẻ” thêm điều kiện cho vay, tăng chi phí cho DN

Nhiều DN bức xúc vì quy định của TT06 khiến các NH không chỉ kiểm soát, giám sát hoạt động của bên đi vay mà yêu cầu kiểm soát, giám sát hoạt động và dòng vốn của cả bên nhận góp vốn, tức là “bên thứ ba”. Bên thứ ba không đi vay trực tiếp mà vẫn phải chịu kiểm soát của NH, phải nộp báo cáo cho NH là vô lý. Đồng thời, quy định này cũng làm gia tăng quy trình, thủ tục, tăng chi phí tuân thủ pháp luật của tổ chức tín dụng, gây khó cho cả tổ chức tín dụng và chủ đầu tư dự án.

Đây cũng là một trong những lý do khiến mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 là 14% nhưng tới cuối tháng 11, tăng trưởng toàn hệ thống mới đạt 8,21%.

Phân tích kỹ hơn, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, cho rằng NH đang vì an toàn của mình, vì sợ trách nhiệm mà đẩy hết cái khó, thậm chí gây bế tắc cho DN. Cụ thể, đối với việc yêu cầu phải phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại khoản 5, điều 26 của TT06 thì các NH do sợ vi phạm sẽ áp dụng theo kiểu giải thoát mọi trách nhiệm của mình. Phải hiểu rằng việc cho vay để góp vốn không phải là “trường hợp cho vay để thanh toán tiền nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ” để phải phong tỏa tiền vay. Nếu hiểu theo cách DN vay tiền nhưng lại không được dùng tiền thì làm sao bên nhận góp vốn có thể triển khai được dự án và hoàn thành nghĩa vụ với bên góp vốn? Hệ lụy không chỉ là giao dịch kinh tế đổ vỡ mà còn gây tác động dây chuyền đến nhiều quan hệ kinh tế, dân sự khác. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phải có tài sản bảo đảm gấp đôi (để NH cho vay và để NH giải tỏa số tiền đã giải ngân) cho cùng một khoản vay. Quy định này là quá vô lý, gây lãng phí nguồn lực, tăng chi phí, thậm chí là đánh đố DN.

Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh: Thậm chí, ngay cả trường hợp số tiền vay để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì NH cũng không được phép tự ý phong tỏa. Theo quy định tại điều 12 Nghị định số 101/2012 của Chính phủ thì NH chỉ có quyền phong tỏa tài khoản trong 4 trường hợp (không có trường hợp nào theo TT06). Tương tự, quy định tại khoản 2 điều 22 TT06 yêu cầu với các NH có biện pháp kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình tài chính, nguồn trả nợ của khách hàng… giống như “đẻ” thêm một điều kiện cho vay, gây thêm khó khăn cho bên góp vốn, đồng thời cũng gây phiền hà cho DN nhận vốn góp, bởi họ không phải là bên đi vay, không giao dịch mà vẫn phải chịu sự kiểm soát của NH.

Đồng tình, TS Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), cho rằng dù trên thực tế có phát sinh những trường hợp cho vay không đúng quy định, gây nợ xấu thì NHNN cũng không nên đưa ra các quy định can thiệp quá sâu vào nội bộ, quy trình hoạt động kinh doanh của các NH thương mại. Chỉ có luật mới quy định rõ các hoạt động, hành vi nào bị cấm. Thông tư là văn bản dưới luật chỉ được hướng dẫn thực hiện các quy định đã nêu trong luật liên quan. Hơn nữa, nội dung của điều 26, điều 22 như nêu trên là chưa rõ ràng, khó thực hiện. 

Ví dụ, trong trường hợp không có ký kết 3 bên thì DN sẽ không có nghĩa vụ báo cáo cho phía NH về việc sử dụng vốn vay của các nhà đầu tư góp vốn vào dự án. Vì vậy, các quy định nói trên khiến cho chính bản thân NH cũng lúng túng trong khi DN lại khó tiếp cận nguồn vốn. Quan trọng nhất vẫn là hoạt động kiểm tra, giám sát từ những người lãnh đạo, có trách nhiệm trong các NH thương mại đến cơ quan quản lý là NHNN. Hiện tại Chính phủ đang nỗ lực tháo gỡ nhiều khó khăn nên càng tránh việc có thêm những quy định mới, nhất là trong lĩnh vực tài chính NH để hỗ trợ DN tiếp cận được vốn như bình thường, đầu tư mở rộng dự án để góp phần đưa kinh tế hồi phục.

Nếu có yêu cầu với bên thứ ba thì cần phải được quy định bằng luật. Như vậy, do sự mập mờ của TT06 mà nhiều tổ chức tín dụng để bảo vệ mình, đã áp dụng sai. Cách làm này vô hình trung biến TT06 thành một văn bản sai luật, trái thực tế, gây thiệt hại lớn cho các DN.

Luật sư Trương Thanh Đức

Ngoài việc đề xuất bãi bỏ một số quy định chưa hợp lý, HoREA cũng đề nghị NHNN xem xét bãi bỏ khoản 8, khoản 9 và khoản 10 điều 8 của TT số 39/201 (đã được bổ sung theo khoản 2 điều 1 TT06) do các quy định này chỉ mới ngưng hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.9 vừa qua theo TT10/2023.

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

lịch phát sóng trên truyền hình

Thanh toán hóa đơn SCTV

Không khoan nhượng - SCTV9

 

Công công xuất cung - SCTV9

Không gian lạ - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...