Xu hướng xe điện trên thị trường di chuyển
Theo hãng nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, quy mô thị trường gọi xe Việt Nam ước tính đạt con số 0,88 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt mốc 2,16 tỷ USD vào năm 2029, với mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 19,5% trong giai đoạn dự báo.
Sự xuất hiện của nền tảng xe điện Xanh SM trong năm 2023 đã tạo ra một bước ngoặt lớn trên thị trường di chuyển đô thị tại Việt Nam. Cho đến thời điểm hiện tại, Xanh SM đã vươn lên chiếm thị phần lớn thứ 2 thị trường gọi xe Việt Nam, vượt qua Be Group, đối thủ từng đứng thứ 2 trước đó.
Và trong bối cảnh xu hướng xe điện ngày càng được ưa chuộng hơn, các hãng taxi truyền thống cũng buộc phải có sự thay đổi cho phù hợp với xu thế chung khi chuyển dần từ việc sử dụng xe động cơ đốt trong sang xe điện nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, giữ thị phần và tìm kiếm động lực tăng trưởng.
Lado Taxi mới đây đã tích hợp gần 1.000 xe điện VinFast, bao gồm các mẫu xe như VF e34s và VF 5sPlus, cho dịch vụ taxi điện của họ tại các tỉnh như Lâm Đồng và Bình Dương. Trong khi Sun Taxi cũng đã ký hợp đồng với VinFast để mua 3.000 xe VF 5s Plus, đại diện cho thương vụ mua lại đội xe lớn nhất tại Việt Nam cho đến nay, theo báo cáo tài chính H1 2023 của Tập đoàn VinFast.
Ngoài ra, hàng loạt thương hiệu taxi truyền thống như Én Vàng (Hải Phòng), Xanh Sapa (Lào Cai), Airports (Hà Nội),... cũng có động thái tương tự. Theo báo cáo của công ty CP Di chuyển Xanh và thông minh - GSM, tính đến thời điểm này, công ty đã cung cấp ô tô điện cho khoảng 30 doanh nghiệp có dịch vụ taxi hoặc vận chuyển hành khách theo hợp đồng.
Bước đi khác của Vinasun và Mai Linh
Trong bối cảnh đó, Vinasun và Mai Linh dường như đứng ngoài cuộc chuyển đổi khi cho thấy họ sẽ tiếp tục trung thành với chính sách và chiến lược trước đó của mình.
Vinasun dự tính đầu tư 700 xe Hybryd của Toyota trong năm 2024, trong khi Mai Linh bắt tay cùng Toyota Việt Nam đầu tư 10.000 xe taxi chạy xăng trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên, cả hai cũng đang phải vật lộn với bài toán lợi nhuận.
Cụ thể, tại ĐHĐCĐ của Vinasun mới đây, công ty đã thông qua kế hoạch tổng doanh thu hơn 1.1 ngàn tỷ đồng, giảm hơn 9% so với năm 2023. Trong đó, phần lớn doanh thu từ hoạt động kinh doanh taxi Vinasun - chiếm hơn 1 ngàn tỷ đồng; còn lại từ Vinasun Green, đơn vị vận chuyển của Doanh nghiệp hoạt động tại Đà Nẵng, với 96 tỷ đồng. Lãi sau thuế mục tiêu chỉ gần 81 tỷ đồng, đặt thấp hơn năm trước gần 47%.
Theo đánh giá của Vinasun, năm 2024 được cho là còn nhiều khó khăn với những rủi ro hiện hữu cùng những yếu tố tiêu cực của kinh tế thế giới gây ảnh hưởng đến sức mua. Bản thân công ty cũng đang gặp khó với sự cạnh tranh của các đối thủ khác. Ngoài ra, doanh nghiệp xác định 2024 vẫn là năm phục hồi và phát triển, trong đó có việc tập trung vào dòng xe hybrid để thay thế xe xăng nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. Do vậy, doanh nghiệp chỉ đặt mục tiêu thận trọng.
Về kế hoạch đầu tư, Vinasun dự tính đầu tư 700 xe Hybryd của Toyota trong năm 2024. Doanh nghiệp cho biết, đây là một phần trong chiến lược phát triển dài hạn của Vinasun. Thực chất, việc đầu tư 2 dòng xe này không quá chênh lệch. Trong khi đó qua tính toán, xe hybrid có thể giảm tới 50% nhiên liệu so với xe xăng. Xe điện mất khoảng 800 đồng/km, xe hybrid mất khoảng 1,100 – 1,200 đồng/km, mà không mất chi phí cơ hội khi sạc điện.
Tương tự Vinasun, năm ngoái một hãng taxi truyền thống khác là Mai Linh cũng đã bắt tay cùng Toyota Việt Nam đầu tư 10.000 xe taxi chạy xăng trong vòng 5 năm tới. Đồng thời, công ty xây dựng kế hoạch thay thế xe cũ bằng các mẫu xe mang thương hiệu Toyota.
Ông Hồ Huy - Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh khi đó cho rằng, xe của Toyota là phù hợp nhất với dịch vụ taxi, vốn từ lâu được các khách hàng, nhà đầu tư ưa chuộng. Tuy nhiên, khi xét đến vấn đề lợi nhuận, Mai Linh cũng chỉ lãi hơn 1 tỷ đồng trong năm công bố báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất là vào năm 2022. Đó cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2018, hãng này vượt qua tình trạng thua lỗ kéo dài.
Rõ ràng, bài toán lợi nhuận của các hãng taxi truyền thống vẫn là tương đối khó giải khi mà sự cạnh tranh từ thị trường cho đến các dịch vụ giao thông thông minh (gọi xe công nghệ) ở Việt Nam ngày càng khốc liệt. Các dịch vụ này thường có giá cả cạnh tranh, dễ sử dụng và thường xuyên cung cấp các ưu đãi cho khách hàng.
Trong khi đó, các hãng taxi truyền thống thường phải đối mặt với chi phí cố định cao như mua xe, bảo dưỡng và bảo hiểm. Ngoài ra, các biến động trong giá nhiên liệu và các yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ. Thêm vào đó, việc quản lý hiệu quả hoạt động và tài nguyên như xe cộ và nhân viên cũng là yếu tố quan trọng trong việc tối ưu hóa lợi nhuận của các hãng taxi. Do vậy, để tối ưu hóa lợi nhuận, các công ty cần phải áp dụng các chiến lược quản lý và kinh doanh linh hoạt và hiệu quả.
Với những bước đầu tư lớn gần đây trong bối cảnh sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, bài toán lợi nhuận của các hãng taxi truyền thống có thể sẽ còn nan giải.