Tại TP.HCM, do thời tiết nắng nóng kéo dài, lượng điện tiêu thụ những ngày đầu tháng 4/2024 liên tiếp tăng cao và đã vượt đỉnh năm 2023, có ngày tăng gần 98 triệu Kwh.
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, Tập đoàn đã thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp để có thể hoàn thành các công trình lưới điện, nguồn điện, cũng như tăng cường khả năng truyền tải để đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu, nhiên liệu cho phát điện.
Tập đoàn cũng tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình vận hành các quy định ngành điện, khắc phục nhanh chóng những sự cố xảy ra, chuẩn bị dự phòng vật tư sẵn sàng đảm bảo vận hành hệ thống. Song song đó là các giải pháp điều tiết hợp lý các nhà máy thuỷ điện đảm bảo dự phòng công suất điện năng trong cao điểm mùa khô…
Tuy nhiên, đối mặt với tình trạng nắng nóng được dự báo sẽ đến sớm, kéo dài nên việc vận hành hệ thống điện sẽ có nhiều khó khăn trong các tháng cao điểm nắng nóng (tháng 4, 5, 6, 7).
Ông Nguyễn Phương Duy - Phó Phòng quản lý năng lượng Sở Công Thương TP.HCM cũng cho biết, nhu cầu sử dụng điện tại TP.HCM hiện nay cao nhất kể từ năm 2020.
Vì vậy, điều chỉnh, giảm nhu cầu sử dụng điện, góp phần giảm công suất vào giờ cao điểm, giảm tình trạng lưới điện quá tải, nâng cao hiệu quả kinh tế của hệ thống điện là giải pháp cấp bách hiện nay.
“Đây là giải pháp trọng tâm và cấp bách để đảm bảo an ninh năng lượng điện cho TP.HCM hiện nay”, ông Phương Duy chia sẻ tại hội thảo “Điều chỉnh phụ tải, thực trạng và giải pháp nhằm giảm nguy cơ quá tải lưới điện” do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp Tổng công ty điện lực TP.HCM vừa tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đại diện cơ quan quản lý, trong tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, có khả năng xảy ra các đợt nắng nóng kéo dài trong các tháng cao điểm mùa nắng nóng, làm tăng nhu cầu sử dụng điện, tiềm ẩn nguy cơ quá tải của lưới điện. Việc điều chỉnh phụ tải điện là một hoạt động, giải pháp của toàn ngành điện lực nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần đảm bảo công tác cung ứng điện liên tục, ổn định, an toàn, đồng thời hạn chế các sự cố trên hệ thống điện, nâng cao chất lượng dịch vụ. Khi doanh nghiệp tham gia điều chỉnh phụ tải điện sẽ giảm chi phí sử dụng điện do giảm nhu cầu sử dụng điện vào giờ cao điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ giảm chi phí tiền điện, giảm giá thành sản xuất sản phẩm và dịch vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
"Do đó, việc kêu gọi các doanh nghiệp có ý thức tham gia vào việc vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh vừa tiết kiệm điện đặc biệt ở các giờ cao điểm là vô cùng cần thiết", ông Phương nhấn mạnh.
Theo thống kê sơ bộ của ngành điện, một số doanh nghiệp tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện, đã tiết giảm được 25-30% tổng công suất tiêu thụ điện, từ đó tiết kiệm tiền điện được gần 15%.
Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Trần Hoài Nam - Phó Chủ tịch Hội cơ khí điện TP.HCM, Tổng giám đốc Công ty Kỹ thuật công nghệ Ánh Dương Sài Gòn - cho rằng, Nhà nước đã có chính sách cụ thể ưu đãi với hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cụ thể, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực năm 2011 quy định cụ thể về các vấn đề như ưu đãi về thuế, vốn vay. Thậm chí, các dự án thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn được xem xét, hỗ trợ kinh phí từ chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Tuy nhiên, thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng biết hết các chính sách này. Đặc biệt là doanh nghiệp tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện cần phải đáp ứng những điều kiện thế nào và những lợi ích thiết thực khi tham gia chương trình này là gì, ông Nam cho biết.
Theo đó, sự thông tin, tuyên truyền về các chương trình điều chỉnh phụ tải điện là cần thiết.
Số liệu của Tập đoàn điện lực Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2024, nhiều ngành kinh tế đã phục hồi tích cực, thời tiết nắng nóng đến sớm và kéo dài nên nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Sản lượng điện thương phẩm 3 tháng đầu năm đạt 62,52 tỷ kWh, tăng 13,85% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Công ty điện lực thành phố Hồ Chí Minh tăng 12,80%.
Trước tình hình nắng nóng dự báo còn kéo dài và nhu cầu tiêu thụ điện cao, để đảm bảo cung ứng điện giai đoạn cao điểm mùa khô năm 2024, Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 924/QĐ-BCT điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 và các tháng cao điểm mùa khô (các tháng 4, 5, 6, 7) trong năm 2024. Bộ yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch cung cấp điện, cung cấp nhiên liệu (than, khí, dầu) chủ động, có dự phòng ứng phó với các tình huống cực đoan có thể xảy ra, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung năng lượng do nguyên nhân chủ quan.