Tăng trưởng nhập khẩu bất chấp suy thoái
Thông tin về thị trường Canada, bà Trần Thu Quỳnh – Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết: quốc gia ở khu vực Bắc Mỹ này có quy mô dân số nhỏ, khoảng 40 triệu dân nhưng là thị trường nhập khẩu khá lớn. Trong 10 năm gần đây, Canada có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong khối G7; dân số tăng liên tục qua các năm nhờ chính sách nhập cư thông thoáng với tốc độ tăng trung bình từ 400.000 – 500.000 người nhằm đạt quy mô dân số 100 triệu người vào năm 2050. Vì vậy, đây là quốc gia có tỷ lệ dân cư ở độ tuổi tiêu dùng cao nhất nhóm G7.
Nền kinh tế Canada dựa vào xuất khẩu dầu khí, máy móc thiết bị chính xác, thiết bị hàng không… hầu như không có công nghiệp tiêu dùng nên có nhu cầu nhập khẩu cao với các mặt hàng tiêu dùng, trong đó có nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, nội thất…
Những năm gần đây, thực hiện Hiệp định CPTPP, Việt Nam trở thành đối tác nhập khẩu lớn thứ 7 của Canada trong khi Canada là thị trường xuất khẩu lớn thứ 10 của Việt Nam. Tính cả số lượng hàng hoá xuất khẩu trung chuyển qua Hoa Kỳ, Canada là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam với mức thặng dư thương mại năm 2022 đạt trên 9 tỷ USD.
Từ đầu năm 2023 đến nay, trong bối cảnh lạm phát và suy thoái kinh tế nhưng thị trường Canada vẫn ghi nhận tăng trưởng nhập khẩu từ Việt Nam. Cụ thể, các mặt hàng da giày tăng 47%, túi xách tăng 33%; dệt may mã HS62 tăng 7,8%; sản phẩm gỗ mã HS44 tăng 43% so với cùng kỳ năm 2022.
Tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam
Trong sự tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada, bà Trần Thu Quỳnh đánh giá, hiệp định CPTPP đã có tác động tích cực đến tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, nhất là với sản phẩm chủ lực như da giày tăng 72%, túi xách tăng 80%, dệt may tăng 103% và nội thất tăng 87%.
Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan của hàng xuất khẩu vẫn rất thấp, đạt 18%; 81% còn lại vẫn sử dụng ưu đãi thuế quan MFN, 1% sử dụng GPT. Trong đó, da giày sử dụng ưu đãi thuế quan cao nhất so với các mặt hàng khác nhưng ước tính vẫn có đến 230 triệu USD xuất khẩu với thuế suất MFN từ 5-20% trong khi lẽ ra chúng ta được hưởng thuế bằng 0.
Các sản phẩm bằng da thuộc mã HS 42 cũng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan cao – 54% nhưng có 43% xuất khẩu sang Canada sử dụng thuế suất MFN, chịu thuế từ 5 – 15,5%. Các sản phẩm dệt may ở một số mã tỷ lệ này còn cao.
Bên cạnh đó, một mặt đánh giá thị trường Canada tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, mặt khác Thương vụ Việt Nam tại Canada lưu ý đến xu hướng nhập khẩu hàng hoá của Canada trong thời gian gần đây. Đó là Canada đang đẩy mạnh hướng về khối kinh tế Nam Mỹ cũng tác động tiêu cực đến một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Đặc biệt, Canada là nước đi đầu trong việc đưa ra nhiều tiêu chí xã hội và môi trường như quy định ghi nhãn và hàm lượng tái chế của sản phẩm nhựa và trách nhiệm báo cáo của sản phẩm có sử dụng thành phần từ nhựa. Dự kiến có nhiều nước khác có động thái tương tự, tác động đến các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Canada, trong thời điểm hiện nay, trước yêu cầu tiếp cận thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh, bắt buộc doanh nghiệp phải quan tâm hơn. Trong đó, quan trọng nhất là đáp ứng quy tắc xuất xứ và có chiến lược tìm nguồn cung đầu vào để khai thác nguyên tắc xuất xứ cộng gộp.
Để gia tăng giá trị xuất khẩu, ngoài việc quan tâm đến quy định mới về trách nhiệm xã hội, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Canada cho rằng, doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu riêng, tập trung khai thác thị trường ngách, nhiều tiềm năng và có biên độ lợi nhuận tốt. Đồng thời, tích cực tham gia xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm quốc tế để tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với các nhà buôn lớn để tìm kiếm đơn hàng, chuyên môn hoá vào sản phẩm đặc chủng như đồng phục công nghiệp, quần áo đi biển, trang phục tơ lụa hay nội thất cho người cao tuổi…