Tín chỉ carbon là thuật ngữ dùng để đo lường lượng khí thải carbon mà một doanh nghiệp thải ra môi trường. Đây được coi như một loại chứng nhận cho phép chủ sở hữu thải ra một lượng khí CO2 nhất định hoặc khí thải nhà kính khác ra môi trường sống.
Thực tế, tín chỉ carbon vẫn còn mới mẻ đối với Việt Nam nhưng được triển khai khá lâu tại nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực. Trong khi đó, đạt được chứng nhận kinh doanh theo tiêu chuẩn giảm thải carbon (còn được gọi là đạt chứng nhận carbon thấp) sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm động lực để tiếp tục chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh. Và tại Quảng Nam hiện nay có rất hiếm có doanh nghiệp đạt được chứng nhận này.
Vừa qua, nhà hàng The Field Hội An (Quảng Nam) đã là đơn vị nhà hàng đầu tiên của Việt Nam được trao chứng nhận kinh doanh theo tiêu chuẩn giảm thải carbon. Đây là thành quả của doanh nghiệp kể từ khi bắt đầu chuyển đổi sang thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, bao gồm quản lý rác thải trong toàn bộ các bộ phận của nhà hàng, triển khai các sáng kiến quản lý năng lượng, giảm thiểu tối đa lượng thực phẩm dư thừa, nói không với rác thải nhựa,... vào năm 2017.
Trong quá trình thực hiện, The Field Hội An đã triển khai các hoạt động tuần hoàn rác gắn với trách nhiệm, lợi ích trong bảo vệ môi trường và nâng cao sinh kế của cộng đồng. Những nỗ lực của The Field được Magnus International Thailand cấp chứng nhận cấp độ Bạch kim của tiêu chuẩn du lịch carbon, đây cũng được xem là động lực cho các đơn vị, doanh nghiệp khác trong ngành du lịch quan tâm ưu tiên bảo tồn môi trường và cùng nhau phát triển du lịch bền vững cho các thế hệ tương lai.
Ông Phan Xuân Thanh – Giám đốc nhà hàng The Field Hội An cho biết chứng nhận kinh doanh theo tiêu chuẩn giảm thải carbon sẽ mở ra thêm cơ hội cho doanh nghiệp. Đầu tiên sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp và ông Thanh cũng cho rằng các doanh nghiệp, các nước tại khu vực rất quan tâm đến vấn đề này.
Theo ông Thanh, vấn đề này liên quan đến tăng trưởng xanh, xu hướng của khách du lịch với vấn đề phát triển bền vững trên thế giới. Và tại Việt Nam chỉ đang ở giai đoạn manh nha, vừa bắt đầu.
“Là doanh nghiệp đầu tiên được cấp chứng nhận, chúng tôi đã có thêm động lực để tiếp tục chuyển đổi. Như vậy là doanh nghiệp đã đi đúng đường”, ông Phan Xuân Thanh cho hay.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An thông tin địa phương đã nhận thấy một số doanh nghiệp, tổ chức cá nhân chuyển đổi theo mô hình này. Với chứng nhận của The Field, Hội An hy vọng đây là sự khởi đầu tích cực để sau này có nhiều chủ thể sản xuất kinh doanh tham gia.
“Đây là tín hiệu tốt cho địa phương. Qua đây sẽ mở ra thêm cơ hội để các doanh nghiệp du lịch Hội An xây dựng và phát triển kinh doanh giảm thiểu phát thải, bảo vệ môi trường và tiếp cận được xu hướng giảm thiểu carbon”, ông Hùng nhìn nhận.
Được biết, việc trao chứng nhận kinh doanh theo tiêu chuẩn giảm thải carbon được thực hiện bởi Quỹ Quản lý Môi trường Thái Lan và công ty Magnus International. Các đơn vị đã độc lập khảo sát nhiều doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng phục vụ du lịch tại nhiều địa phương cả nước.
Theo đó, việc đánh giá dựa vào các tiêu chí quy định của tiêu chuẩn giảm phát thải carbon thế giới, nhà hàng The Field Restaurant Hội An được công nhận đạt cấp độ Bạch kim đối với các hoạt động kinh doanh bền vững, xem xét tác động môi trường, nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và mang lại lợi ích cho người dân địa phương.
Chia sẻ quan điểm về vai trò của doanh nghiệp du lịch trong hoạt động giảm thiểu phát thải để đạt được chứng nhận danh giá này, ông Dravida Balajeev - Giám đốc điều hành Magnus International Thailand đánh giá du lịch đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo thu nhập, thúc đẩy việc làm và lan tỏa sự thịnh vượng đến các khu vực khác nhau. Theo vị này, Quỹ Quản lý Môi trường Thái Lan và Magnus International thiết lập tiêu chuẩn du lịch carbon thấp, cam kết nâng cao nhận thức của các bên liên quan trong ngành du lịch về tầm quan trọng của việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
“Chứng nhận cấp độ Bạch kim của tiêu chuẩn du lịch carbon thấp được trao cho các khách sạn, nhà hàng thể hiện các hoạt động kinh doanh bền vững, xem xét tác động môi trường và cam kết giảm phát thải khí nhà kính”, ông Dravida Balajeev nói.
Nói về câu chuyện chuyển đổi xanh – carbon thấp, bà Huỳnh Thị Tường Vy - Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ số cộng hưởng Echotech, đơn vị tư vấn lĩnh vực này cho rằng hành động cụ thể bao gồm tiết kiệm năng lượng (điện năng tiêu thụ trong nhà máy, văn phòng), sử dụng năng lượng tái tạo – năng lượng gió, mặt trời. Cùng với đó là giảm rác, phân loại rác tại nguồn, giảm tiêu thụ nước, giảm dần đến không sử dụng túi nilong,...
Theo bà Vy, chuyển đổi xanh không những giúp doanh nghiệp xây dựng nền kinh tế tăng trưởng cân bằng hài hoà với yếu tố xã hội và môi trường và xác định được hướng phát triển bền vững. Cùng với đó, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn tài chính xanh, giành được sự tin cậy của đối tác, khách hàng, quản lý tốt rủi ro, tăng cường khả năng cạnh tranh, thu hút và giữ nhân tài.
“Chuyển đổi xanh là câu trả lời về một tương lai phát triển kinh tế song song với bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, trả lại màu xanh cho ngôi nhà chung”, bà Vy nói.