Phát triển Trung tâm logistics quốc tế hiện đại

Toàn bộ container tại chi nhánh Tân Vũ của Cảng Hải Phòng đều được định vị dẫn hướng tự động DGPS.

Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định phát triển TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh dần trở thành trung tâm kinh tế biển lớn.

Cảng biển đặc biệt quốc gia

Quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt mục tiêu “Đến năm 2030, xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không và đường thuỷ nội địa. Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với ba trụ cột phát triển: dịch vụ cảng biển-logistics; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế”.

Trong đó, định hướng thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng với diện tích 20.000ha, để tận dụng lợi thế cảng Nam Đồ Sơn và sân bay quốc tế Tiên Lãng. Quy hoạch cũng định hướng sẽ thành lập Khu Thương mại tự do trong Khu Kinh tế mới này để vận dụng những cơ chế, chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay ở trong nước và quốc tế về thương mại tự do, áp dụng tại Hải Phòng, từ đó, tạo đòn bẩy đủ mạnh giúp đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế của vùng đất phía Nam Hải Phòng.

Hải Phòng là địa phương duy nhất ở miền Bắc hội tụ đủ 5 loại hình giao thông “sắt – sông – biển – bộ - hàng không”. Trên cơ sở đó, quy hoạch định hướng đầu tư xây dựng phát triển cảng biển Hải Phòng để xứng tầm với vai trò là 1 trong 2 cảng biển đặc biệt của cả nước. Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hải Phòng về phát triển các hoạt động dịch vụ phục vụ hoạt động cảng biển, dịch vụ logistics đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu “xây dựng và phát triển TP Hải Phòng trở thành trọng điểm của khu vực phía Bắc và cả nước về phát triển các dịch vụ cảng biển, dịch vụ logistics, đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và quốc tế”.

Trong những năm qua, hoạt động logistics trên địa bàn thành phố đã có những bước phát triển mạnh về số lượng, chất lượng. Hải Phòng đã trở thành đầu mối vận tải lớn nhất của khu vực phía Bắc về xuất, nhập khẩu hàng hóa. Hoạt động của dịch vụ logistics tại TP.Hải Phòng đã bước đầu phát huy vai trò và đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội thành phố, tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 20-23%, tỷ trọng đóng góp vào GRDP thành phố 13-15%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 25-30%. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 250 doanh nghiệp đăng ký cung cấp dịch vụ logistics, trong đó có khoảng 30 công ty, tập đoàn đa quốc gia như DHL, UPS, FedEX …. chiếm 70-80 thị phần logistics.

Phát triển hạ tầng logistics tạo sức lan toả

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia hay trong chính Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy thì “dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của thành phố”; chi phí logistics còn cao do hệ thống cơ sở hạ tầng…công nghệ thông tin còn hạn chế…”. Do đó, chuyên gia cho rằng, thành phố cần quy hoạch hệ thống trung tâm logistics theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp và hiện đại, làm nền tảng, cơ sở phát triển hệ thống dịch vụ logistics trên toàn thành phố; gắn kết hợp lý với quy hoạch phát triển thương mại, công nghiệp, hệ thống giao thông, sử dụng đất và các quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội khác của Hải Phòng và khu vực Bắc Bộ.

Thành phố tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp dịch vụ logistics trong và ngoài nước đến với Hải Phòng bằng chính sách hấp dẫn. Đồng thời, khuyến khích các trung tâm và khu vực cung ứng dịch vụ logistics đang hoạt động hiệu quả tiếp tục phát triển, tăng tính cạnh tranh và sự chuyên nghiệp; gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu là thế mạnh của thành phố, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin, hỗ trợ đắc lực cho quá trình hình thành và hoạt động hệ thống trung tâm logistics. 

Tại hội nghị công bố Quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng đã nhấn mạnh, Hải Phòng cần ưu tiên triển khai các dự án hạ tầng kết nối liên vùng, cảng biển, logistics, hạ tầng số.

Đồng thời, Hải Phòng cần đẩy mạnh khai thác, phát huy hiệu quả những công trình hạ tầng hiện đại đã, đang hoặc sẽ được đầu tư trong thời gian ngắn sắp tới, như hệ thống đường cao tốc kết nối với Hà Nội, Quảng Ninh, đường ven biển kết nối Nam Định, Thái Bình, sân bay Cát Bi, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, các công trình hạ tầng kết nối liên vùng… mở ra không gian phát triển rộng mở, đa chiều, đa cực, đa trung tâm, để đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng tăng trưởng.