Với khu vực sản xuất tập trung với mật độ lao động lớn, hướng đến Net Zero không thể bỏ qua việc thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp.
Ông Huỳnh Tiến Dũng - Giám đốc quốc gia của Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững (IDH) cho biết:
Ở Việt Nam hiện có hơn 400 khu công nghiệp. Mục tiêu đến năm 2030 con số này sẽ tăng lên 600 khu công nghiệp theo quy hoạch. Với khu vực sản xuất tập trung với mật độ lao động cao, trong lộ trình thực hiện Net Zero vào năm 2050 không thể bỏ qua việc thúc đẩy phát triển bền vững.
Với ý nghĩa như vậy, hỗ trợ các khu công nghiệp phát triển toàn diện, hiện đại vừa đạt các giá trị kinh tế vừa đảm bảo môi trường phát triển bền vững và có trách nhiệm về mặt xã hội là cần thiết.
IDH đã làm việc với VCCI để thực hiện các hoạt động định hướng, hỗ trợ các khu công nghiệp phát triển bền vững. Hai bên thống nhất cần có đánh giá để xác định những thách thức, nhìn nhận nhu cầu của doanh nghiệp, từ đó xây dựng chương trình hỗ trợ phù hợp.
Đến nay, khung đánh giá được thiết kế để doanh nghiệp “soi” vào đó, tự nhìn nhận xem khu công nghiệp của mình đã bền vững hay chưa, cần bổ sung điều gì. Đồng thời, các bên cũng lựa chọn một số doanh nghiệp triển khai thí điểm các hoạt động hỗ trợ.
Chương trình hỗ trợ khu công nghiệp bền vững tập trung vào những nội dung chính như hỗ trợ kiểm toán năng lượng carbon, quản lý hoá chất, quản lý nước; tổ chức diễn đàn để các khu công nghiệp chia sẻ kinh nghiệm…
Ngoài ra, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, các cơ sở có tiềm năng ô nhiễm phải công bố dữ liệu quan trắc môi trường một cách minh bạch. Tuy nhiên, công bố nội dung gì, ở đâu, như thế nào hiện tại vẫn chưa có.
IDH hợp tác với Bộ Tài nguyên và môi trường xây dựng nền tảng dữ liệu môi trường công khai, minh bạch từ các khu công nghiệp. Khi đó, chỉ cần click trên bản đồ một khu công nghiệp bất kỳ có thể nhìn thấy các dữ liệu môi trường, khí thải, nước thải… được đánh giá theo các mức độ khác nhau.
Một nội dung khác liên quan đến phát triển bền vững khu công nghiệp là kinh tế tuần hoàn. Đây là vấn đề được đề cập nhiều nhưng cần lựa chọn mô hình có thể mang tính thương mại để nhân rộng. IDH đã triển khai chương trình phát triển kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ tận dụng vải vụn thừa từ các nhà máy dệt may để tạo thành nhiều sản phẩm hữu ích tái sử dụng nhiều lần như túi đi chợ, chăn, rèm, ga…
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...