Nhiều năm trước, để hưởng ứng lời kêu gọi thi đua yêu nước, sản xuất kinh doanh giỏi của chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai, nhiều đơn vị doanh nghiệp trong tỉnh đã phát huy nội lực, nhằm đạt được kết quả tốt, tác động tích cực đến đời sống cán bộ công nhân viên, góp phần nâng cao đời sống xã hội và làm giàu chính đáng. Cũng từ phong trào đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình sản xuất kinh doanh giỏi, bà Nguyễn Thị Nguyệt giám đốc công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Nghĩa Anh là một trong những tấm gương tiêu biểu ấy.
Xuất thân từ một gia đình làm nghề nông ở Hải Hậu, Nam Định, một trong những huyện là “vựa lúa” của đồng bằng sông Hồng, nhưng cuộc đời của doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt lại gắn liền với Lào Cai, nơi dẻo cao, giáp biên giới Trung Quốc tràn đầy nắng gió và những khó khăn. Với hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả, bà bước chân vào con đường kinh doanh từ rất sớm. Bà đã phải lặn lội, bươn chải buôn bán khắp nơi tìm kiếm nguồn hàng và cơ hội để gây dựng sự nghiệp cho mình.
Trong suốt chuỗi ngày vất vả và khó khăn chồng chất ấy, bà đã rút ra những bài học và tìm ra được lối thoát cho những trăn trở bấy lâu để rồi gặt hái thành công cho những năm tháng sau này. Nhận thấy sắn là cây lương thực thứ yếu nhưng rất sẵn, sinh trưởng và phát triển trên mọi loại đất. Trong khi đó, Lào Cai lại là tỉnh miền núi với đất đai tương đối rộng, dân cư thưa thớt chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các vùng đồi núi, bà Nguyệt đã quyết định đầu tư dây chuyền sấy sắn lát để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Và để có đủ nguồn nguyên liệu cho sản xuất bà đã tìm cách thiết lập vùng nguyên liệu gồm các xã vùng cao của huyện Bát Xát, huyện Văn Bàn và một vài xã của tỉnh Điện Biên. Từ đó, dây chuyền của bà đã có nguồn nguyên liệu ổn định và lượng khách hàng dồi dào cùng với phương thức kinh doanh minh bạch và tấm lòng chân chất vốn có của bà con người dân tộc thiểu số, những sản phẩm từ cơ sở của bà đã tạo được lòng tin với khách hàng và từng bước khuếch trương danh tiếng.
Đây cũng là một việc làm thiết thực để thực hiện chủ trương thúc đẩy xuất khẩu và lưu thông hàng nông sản của Đảng và Nhà nước ta, nhằm tiêu thụ nông sản cho nông dân, tạo thu nhập ổn định nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa nơi có địa bàn kinh tế xã hội khó khăn. Dự án thực hiện tạo được công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, nông dân tại các vùng trồng nguyên liệu có tăng thu nhập, đời sống xã hội được nâng cao.
Khi việc kinh doanh đi vào ổn định, bà Nguyệt lại trăn trở với suy nghĩ làm thế nào vừa bảo vệ sản phẩm mình và vừa giúp bà con nông dân vùng cao nâng cao giá trị của cây sắn, củ khoai, những cây lương thực đã gắn bó với họ từ bao đời nay. Theo bà, muốn đứng vững trên thị trường thì cần phải xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Và như thế, công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Nghĩa Anh đã ra đời, gắn liền với khát vọng của người phụ nữ không tuổi này, mang hơi thở của vùng đất dẻo cao đầy khốn khó.
Sau hơn 10 năm nỗ lực phấn đấu, bà Nguyễn Thị Nguyệt giờ đây đã vững vàng chèo lái doanh nghiệp của mình chinh phục thị trường trong nước và Trung Quốc, bất chấp sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của những sản phẩm cùng loại. Sản phẩm của công ty đã giành được sự tín nhiệm của các bạn hàng bên kia biên giới. Nhờ đó, công ty luôn giữ vững mức tăng trưởng ổn định với doanh thu hằng năm hàng trăm tỷ đồng.
Là người phụ nữ mạnh mẽ và quyết đoán nhưng luôn giữ trong mình một trái tim nhân hậu. Từ một thương lái bán buôn qua lại biên giới, trở thành giám đốc công ty xuất nhập khẩu với doanh số mỗi năm hàng trăm tỷ đồng, sử dụng hàng trăm lao động với mức thu nhập trung bình khá so với mức sống tại địa phương nên đặc biệt bà Nguyệt có thể thấu hiểu và chia sẻ với mọi hoàn cảnh của người lao động. Bà luôn tâm niệm một điều “sản xuất kinh doanh để làm giàu, nhưng thứ cốt lõi phải là trách nhiệm xã hội”.
Chia sẻ với chúng tôi về định hướng phát triển của doanh nghiệp trong tương lai, bà Nguyễn Thị Nguyệt cho biết: “Chúng tôi luôn nỗ lực tận dụng mọi cơ hội, phát triển thị trường, xuất khẩu sản phẩm sang nhiều nước trong khu vực, không chỉ là Trung Quốc. Đồng thời, chúng tôi cũng quan tâm đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân người thiểu số, góp phần xây dựng các bản làng vùng cao địa đầu Tổ Quốc và cũng tìm cách nâng cao uy tín thương hiệu để vươn tới mục tiêu phát triển bền vững”.