Ngày 6/8/2024, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Uỷ ban) đã tổ chức Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong quá trình xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.
Đến nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua về việc bổ sung dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 tại Nghị quyết số 129/2024/QH15 ngày 08/6/2024. Có thể thấy rằng đây là nỗ lực rất lớn của Bộ Tài chính trong thời gian qua đã tích cực, chủ động làm việc, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và doanh nghiệp trong tổng hợp các khó khăn, bất cập và kiến nghị cấp có thẩm quyền nhằm sớm xem xét sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13.
Phát biểu tại Toạ đàm, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh bày tỏ mong muốn nhận được các ý kiến trao đổi, thảo luận, góp ý về các nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp cùng một số quy định khác tại Dự thảo Luật. Mục đích nhằm bảo đảm Luật khi được ban hành sẽ góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tế hiện nay, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới…
Trước đó, trong quá trình tham gia xây dựng Dự án Luật, Ủy ban đã tích cực tham gia nghiên cứu, góp ý (06 văn bản chính thức), đồng thời tích cực tham gia, tổ chức nhiều cuộc họp với Bộ Tài chính và các doanh nghiệp, cơ quan liên quan trong việc tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi Luật. Trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính tại Công văn số 6387/BTC-TCDN ngày 21/6/2024 về việc tham gia góp ý kiến đối với Dự thảo Luật, Ủy ban đã ban hành các Công văn số 1400/UBQLV-PCKS ngày 28/6/2024 và Công văn số 1536/UBQLV-PCKS ngày 11/7/2024 đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc tích cực nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Luật. Tính đến ngày 06/8/2024, các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đã gửi ý kiến tham gia góp ý đối với Dự thảo Luật về Ủy ban và đồng gửi Bộ Tài chính. Ủy ban đã có Công văn số 1550/UBQLV-PCKS ngày 12/7/2024 góp ý gửi Bộ Tài chính, trong đó tập trung vào các vấn đề trọng tâm như: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; quy định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể chủ sở hữu vốn, đẩy mạnh tăng cường phân cấp, phân quyền; cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu; thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Đóng góp ý kiến tại Toạ đàm, hầu hết đại biểu cho rằng Dự thảo Luật là bước đột phá trong quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Cách tiếp cận, tinh thần sửa Luật có rất nhiều điểm tích cực kỳ vọng sẽ giải quyết những khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện thể chế, nhất là quy định việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; sắp xếp và cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; kiểm tra, giám sát việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; chính sách về cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn và chính sách về quản trị doanh nghiệp.
Tọa đàm đã thu được nhiều ý kiến góp ý thiết thực của các đại biểu, chuyên gia, là nguồn dữ liệu quan trọng góp phần đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung vào Dự thảo Luật bảo đảm các quy định khi được ban hành sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp hiện nay, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...