Cùng với thu hút doanh nghiệp FDI, chính sách hỗ trợ tốt là cần thiết để "nuôi dưỡng" các doanh nghiệp SME lớn mạnh tham gia hệ sinh thái bán dẫn.
Theo GS.TS. Chử Đức Trình, Việt Nam hiện nằm trong top 20 nền kinh tế tăng trưởng nhanh, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Mỹ và đánh giá là quốc gia có tiềm năng trở thành nền kinh tế xuất khẩu hàng hoá công nghệ lớn của thế giới. Đây là điểm thuận lợi cho sự phát triển của nhiều ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có việc tham gia hệ sinh thái bán dẫn đang được đầu tư mạnh mẽ tại nhiều quốc gia, tập đoàn trên toàn cầu.
Điểm lại thế mạnh của Việt Nam hệ sinh thái bán dẫn, Hiệu trưởng trường đại học Công nghệ nhấn mạnh đến 3 yếu tố là vị trí địa lý thuận lợi, thể chế ổn định và nguồn nhân lực thông minh.
Ngược lại, điểm hạn chế là chưa làm chủ công nghệ, kể cả trong mảng thiết kế được xem là mạnh thì một số doanh nghiệp trong nước cũng chỉ tham gia một khâu hoặc thiết kế một số chip đơn giản. Cũng giống như một số lĩnh vực xuất khẩu vốn đã thành công như dệt may, chúng ta có thể gia công tốt nhưng chưa tham gia chuỗi cung cấp.
“Thời điểm này, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn tham gia hệ sinh thái bán dẫn khi dân số Việt chuẩn bị già. Còn không tận dụng được cơ hội này, có thể chúng ta sẽ già trước khi giàu” - GS.TS. Chử Đức Trình cho hay.
Để hiện thực hoá cơ hội trên và “hái trái ngọt” trong lĩnh vực bán dẫn, theo GS.TS. Chử Đức Trình, Việt Nam phải chuẩn bị rất kỹ một số nội dung.
Thứ nhất, chính sách công rất quan trọng với 2 yêu cầu cần đảm bảo là ổn định và kiến tạo. Nói đến bán dẫn là nói đến câu chuyện đầu tư nguồn lực tài chính lớn, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp diễn ra trong thời gian dài, có thể lên đến mấy chục năm nên cần cơ chế, chính sách ổn định cho tăng trưởng và phát triển.
Bên cạnh đó, chính sách công cần kiến tạo để doanh nghiệp hoạt động trong môi trường kinh doanh tốt, thúc đẩy tinh thần doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cần thiết phải có chính sách công mang tính chất kiến tạo bởi GS.TS. Chử Đức Trình nhìn thấy thực tế, không ít bạn trẻ Việt Nam bắt đầu khởi nghiệp ở một số quốc gia trong khu vực trong khi Việt Nam hoàn toàn có thể làm được như vậy.
Thứ hai, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp bởi không có công nghiệp, không có thị trường lao động thì không thể nói được điều gì. Trong đó, 2 yếu tố cốt lõi cần được nhấn mạnh là thu hút các doanh nghiệp FDI đến đầu tư nhưng không bỏ quên doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Cần có chính sách tốt để nuôi dưỡng các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ rất khó phát triển để tham gia hệ sinh thái.
Thứ ba, phải chuẩn bị thị trường giáo dục và nhân lực trên tinh thần các chiến lược đều gắn với ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trong đó, ở trung hạn và dài hạn cần đẩy mạnh đào tạo cao hơn để chuẩn bị nhân lực cho các trung tâm R&D lớn trên toàn cầu về Việt Nam.
Để làm được điều này cần đổi mới chương trình đào tạo hướng đến cung cấp kiến thức nền tảng và cung cấp “sức bền” cho nhân lực giải bài toán khó và đi đường dài. Hiện nay, nhân lực Việt Nam thường khó tiến xa dài hạn. Có hiện tượng nhân sự sau 10 năm làm việc, ở tuổi 35 đã không còn khả năng cạnh tranh với thế hệ lớp trẻ tiếp theo. Vì vậy, tạo động lực cho nhân sự làm việc tốt, làm việc khoẻ với năng suất cao chính là gắn liền phát triển nguồn nhân lực với giáo dục.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...