Việc kết nối doanh nghiệp của chuỗi cung ứng điện tử, trong đó có doanh nghiệp điện tử Trung Quốc nhằm gia tăng giá trị cho doanh nghiệp trong nước.
Phát biểu tại hội nghị, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: cuộc cách mạng công nghệ 4.0 tác động mạnh mẽ, tạo ra động lực phát triển mới cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Điện tử đã và đang là ngành tiên phong trong ứng dụng công nghệ hướng tới sản xuất thông minh.
Với nhiều lợi thế, Việt Nam không chỉ là thị trường tiêu thụ tiềm năng các sản phẩm điện tử mà còn là điểm đến đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp điện tử, công nghệ; trong đó có các doanh nghiệp điện tử từ Trung Quốc.
Đại diện cho các doanh nghiệp điện tử, bà Đỗ Thị Thuý Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ, Uỷ viên BCH VEIA thông tin thêm: trong những năm qua, ngành điện tử có nhiều đóng góp vào tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ngành điện tử đạt 72,3 tỷ USD, trong đó, xuất siêu đạt 8 tỷ USD trên tổng giá trị xuất siêu cả nước là 14 tỷ USD.
Hai thị trường xuất khẩu sản phẩm điện tử lớn của Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc; trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu linh kiện điện tử lớn của Việt Nam.
Trong bản đồ công nghệ thế giới, Việt Nam đứng thứ 5 về xuất khẩu máy tính, linh kiện và thứ 2 về xuất khẩu điện thoại di động. Tuy nhiên trong chuỗi cung ứng của ngành, các doanh nghiệp Việt Nam đứng ở vị trí đáy - khâu sản xuất với giá trị gia tăng thấp.
Đại diện lãnh đạo VEIA nhấn mạnh: Dòng chảy đầu tư vào ngành công nghiệp điện tử diễn ra mạnh mẽ, nhất là từ đầu năm 2024 đến nay, tập trung ở hạng mục công nghệ cao, góp phần thúc đẩy việc định hình lại chuỗi giá trị toàn cầu và sự dịch chuyển của chuỗi công nghiệp. Với vị trí địa lý đặc biệt, nguồn lao động dồi dào và môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, Việt Nam đã trở thành cứ điểm quan trọng của nhiều công ty Trung Quốc khi vươn ra nước ngoài. Các công ty sản xuất điện tử như Foxconn, Luxshare đã đầu tư xây dựng nhà máy mới hoặc mở rộng năng lực sản xuất.
Với chủ đề sản xuất thông minh, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp điện tử lớn từ Trung Quốc, chuyên gia đã thuyết trình và thảo luận chuyên sâu về những tiến bộ mới nhất trong sản xuất điện tử, những đột phá công nghệ quan trọng và vai trò cốt lõi trong việc nâng cấp và chuyển đổi công nghiệp.
Song song với đó là các hoạt động kết nối các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, trong đó có các doanh nghiệp điện tử từ Trung Quốc. Theo bà Đỗ Thị Thuý Hương, các hoạt động này cũng không nhằm mục tiêu góp phần nâng cao vị thế, giá trị của doanh nghiệp điện tử trong nước trong chuỗi cung ứng điện tử; mở rộng tăng cường kết nối nguồn cung ứng thiết bị điện tử thông minh.
Để thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi Tô Ngọc Sơn đề nghị, đại diện hiệp hội doanh nghiệp, các bên liên quan, đối tác tăng cường tổ chức các hoạt động hợp tác, chia sẻ chuyên môn trong sản xuất điện tử giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào hoạt động cung ứng các sản phẩm dịch vụ cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, nghiên cứu đề xuất các mô hình hợp tác đào tạo trong ngành điện tử giữa các cơ quan quản lý - cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu - doanh nghiệp nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư vào Việt Nam.
Thứ ba, căn cứ vào tình hình doanh nghiệp đề xuất phương án, mô hình hợp tác chuỗi cung ứng hàng hoá, thường xuyên cập nhật tình hình sản xuất kinh doanh với các cơ quan đảm bảo chuỗi cung ứng hoạt động thông suốt.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...