Nibble là một chatbot AI có khả năng trò chuyện và mặc cả mức khuyến mãi cho khách hàng giá hời. Sự ra đời của Nibble mở ra những hướng đi khác của hành trình mua sắm trên không gian mạng.
Biện pháp hữu hiệu
Đầu năm nay, khi khách hàng truy cập trang mạng của Iconic London, một thương hiệu trang điểm khá nổi tiếng, sẽ không khó để thấy được dòng tin nhắn tự động từ chatbot với nội dung rằng liệu họ có muốn mua hàng trong giỏ hàng với giá thấp hơn hay không. Đây là một phần trong chiến dịch thử nghiệm kéo dài nhiều tuần của Iconic London. Họ tiến hành cho bot Nibble gửi tin nhắn đến một nửa số người mua hàng, thử nghiệm xem liệu khách hàng có hứng thú với việc mặc cả để mua hàng rẻ hơn hay không.
Mặc dù bot được lập trình sẵn để có thể đưa ra mức giảm tối đa lên đến 15%, nhưng sau cuộc “nói chuyện” giữa người mua và bot, thì hầu hết người mua đều chấp nhận mua hàng với khoản giảm giá dưới 10%. Giá trị đơn hàng giao dịch của Iconic London tăng lên 50%.
Sau lần thử nghiệm này, Katherine Loftus, Giám đốc kỹ thuật số toàn cầu của Iconic, chia sẻ rằng không phải lúc nào việc áp một mức giảm giá chung cho tất cả cũng là một biện pháp hiệu quả.
Không chỉ Iconic London, đã có hơn 300 thương hiệu và nhà bán lẻ sử dụng Nibble. Theo nhà phát triển, đây là công cụ cho phép khách hàng mặc cả để mua hàng giá rẻ hơn. Khách hàng có thể nhận được khuyến mãi chỉ sau 45 giây. Gần 20% khách hàng nhận khuyến mãi và quyết tâm xuống tiền.
Trong thời kỳ đại dịch, các chương trình giảm giá gần như biến mất, vì các nhà bán lẻ tận dụng thời điểm chuỗi cung ứng hàng hóa bị tắc nghẽn để bán hàng đủ giá. Thế nhưng giờ đây giảm giá lại đang quay trở lại mạnh mẽ, nhất là những nơi còn quá nhiều hàng không phù hợp, bị tồn kho. Mà khi đã giảm một lần, thì khách hàng càng ngày càng muốn được giảm nhiều hơn.
Văn hóa “mặc cả”
Nibble do Bailey và Jamie Ettedgui thành lập năm 2020. Cả hai từng đến một khu chợ ở Istanbul và mặc cả với người bán để mua một đôi giầy thể thao. Họ cảm thấy rất ưng ý với “thành quả” trả giá của mình. Nhưng rồi cả hai nhận ra rằng mình chẳng thể làm điều tương tự thường xuyên ở Anh, vì Anh xem hành động mặc cả là việc làm bất lịch sự.
Nhiều doanh nhân khác cũng chia sẻ điều tương tự. Họ cho rằng khi vào một cửa hàng và thấy một cái ghế giá 800 USD, hiếm có ai trả giá. Hoặc nói đúng hơn là không khách hàng nào tự mình mặc cả giá.
Từ “văn hóa” này, những nhà sáng lập Nibble đánh cược rằng những người mua hàng sẽ cảm thấy thoải mái hơn nếu mặc cả giá trên mạng. Nibble huy động được hơn 3 triệu USD tiền vốn. Sản phẩm được nhiều thương hiệu ở nhiều lĩnh vực, từ trang sức, quần áo cho đến nội thất và phụ tùng xe hơi, sử dụng. Gần một nửa số khách hàng mới bắt đầu sử dụng Nibble từ năm 2023. Với mỗi đơn hàng, Nibble sẽ nhận về 2% doanh thu.
Chatbot này cũng được đi “tu nghiệp” thường xuyên. Nibble thường tham khảo ý kiến của giáo sư trường London Business School, một chuyên gia về thương thảo giá cả. Họ gửi cho ông các đoạn chat thất bại (tức là sau khi chat người mua không tiếp tục hành trình mua hàng) và ông sẽ cải thiện cách “ăn nói” để khắc phục.
Số liệu cho thấy các nhà bán lẻ sử dụng Nibble để đẩy hàng tồn kho đi nhanh hơn. Thay vì rêu rao đợt giảm giá lớn cho tất cả mọi người trên nhiều kênh, các nhà bán lẻ dùng Nibble để thông báo giảm giá cho khách hàng một cách kín đáo hơn. Mỗi nhà bán lẻ đều có thể điều chỉnh các thông số khác nhau cho chatbot, chẳng hạn phần trăm giảm giá, hoặc các đặc quyền như miễn phí giao hàng để chốt đơn.
Ứng dụng đa dạng
Các nhà bán lẻ có nhiều chiến lược áp dụng AI mặc cả khác nhau. Chẳng hạn hãng nội thất Industry West cho khách hàng mặc cả với Nibble tại khoảng 75% sản phẩm của họ. Ngay bên dưới nút đặt hàng, thương hiệu này để thêm một nút trả giá. Khách hàng nào cần, sẽ bấm vào nút đó và tiến hành thương lượng thông qua chatbot.
Các thống kê cho thấy hơn 30% khách hàng chat với Nibble sẽ tiếp tục mua hàng. Tính trung bình, chatbot này có vẻ làm rất tốt, “mặc cả” được khách hàng chấp nhận mức khuyến mãi còn thấp hơn cả mức hãng đưa ra.
Hoặc Capsuline, công ty kinh doanh viên nang rỗng gelatin cho các công ty dược phẩm, cài đặt cho Nibble bắt đầu hoạt động khi nhân viên kinh doanh của họ hết ca làm việc. Bằng cách này, họ có thể duy trì hoạt động thương lượng giá cả và chốt đơn mọi lúc mọi nơi.
Vẫn chưa hết, thời gian tới, chatbot này sẽ được tích hợp AI tạo sinh để có thể trò chuyện với khách tự nhiên hơn. Các thương hiệu cũng có thể huấn luyện Nibble trở thành một nhân viên bán hàng chuyên nghiệp.
Bất chấp những triển vọng của Nibble, bản thân các nhà phát triển vẫn thận trọng và nhận định rằng sản phẩm này đến cuối cùng vẫn chỉ là một chatbot. Do đó nếu doanh nghiệp đã dùng mà vẫn chưa chốt được đơn nào, thì đó cũng không phải là điều gì quá nghiêm trọng. Nhưng dù sao thì các doanh nghiệp cũng có thêm một công cụ để chốt đơn thuận tiện hơn.