Dự kiến, tháng 5/2024, Đoàn thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam thanh tra lần thứ 5 về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quyết định (IUU). Đây là cơ hội cuối cùng để Việt Nam tháo gỡ thẻ vàng cho hải sản khai thác trước khi EU bầu cử.

Cơ hội cuối gỡ "thẻ vàng" IUU

Dự kiến, tháng 5/2024, Đoàn thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam thanh tra lần thứ 5 về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quyết định (IUU).

Đã gần 7 năm từ khi Việt Nam bị cảnh báo "thẻ vàng" về khai thác IUU. Những nỗ lực gỡ "thẻ vàng" của Việt Nam cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn cần hơn nữa những nỗ lực cải thiện, sự quyết tâm của tất cả hệ thống. Đặc biệt, vấn đề thực thi ở cấp địa phương vẫn là điểm khuyến nghị mà Đoàn thành tra EC còn đang yêu cầu. 

Để khắc phục “thẻ vàng” thuỷ sản IUU, từ Chính phủ tới các Bộ liên quan như Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng, Bộ Công an… đều vào cuộc ở tất cả cấp độ. Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhấn mạnh, chống được khai thác IUU là điều kiện cần chúng ta phải vượt qua và để trong thời gian tới sản phẩm thủy sản Việt Nam có thị trường tốt hơn ở châu Âu. Thậm chí, tất cả những khuyến cáo của EC, những điều cấm trong khai thác IUU đều đã có trong Luật Thủy sản 2017. 

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 37/2024/NQ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2017/NQ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Nghị định số 38/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Nghị định số 38/2024/NĐ-CP thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Hai Nghị định mới này được Chính phủ sửa đổi, bổ sung nhiều quy định pháp luật để phù hợp hơn và đáp ứng những yêu cầu khuyến nghị của Ủy ban châu Âu qua lần thanh tra thứ 4. 

Đặc biệt, Ban Bí thư cũng đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (chống khai thác IUU) và phát triển bền vững ngành thuỷ sản. Tuy nhiên, bài toán thực thi ở cấp địa phương, quyết tâm của lãnh đạo địa phương và tinh thần phối hợp liên thông để cùng xử lý vấn đề khai thác thuỷ sản bất hợp pháp vẫn là “điểm nghẽn”.

Nói như Tư Lệnh ngành nông nghiệp – Bộ trưởng Lê Minh Hoan, có ba điểm lớn mà chúng ta cần tập trung trong các khuyến cáo của EC. Một là tàu cá còn vi phạm ở vùng biển nước ngoài. Hai là tàu cá còn tắt thiết bị giám sát hành trình. Ba là Việt Nam có những đội tàu chưa được đăng ký, đăng kiểm, không giấy phép khai thác và đây là tàu không số, đây là yếu tố “do lịch sử để lại”.

Từ thực tế này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, hiện đang yêu cầu các địa phương thực hiện đăng ký lại với những tàu "3 không" này.

Đồng thời cho biết, Bộ đã chỉ đạo Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư phải quản lý theo không gian biển, chứ không quản lý kiểu "cắt khúc" địa phương. Bộ chỉ đạo các đơn vị phải kiểm soát được mọi diễn biến tàu từ ra khơi đến cập bến ở bất kỳ địa phương nào. Dù tàu có vi phạm ở bất kỳ địa phương nào đều có các thông tin xử lý, tránh tình trạng ngư dân tìm cách đối phó với sự kiểm soát của lực lượng chức năng.

Vấn đề về tàu cá tắt thiết bị giám sát hành trình, EC yêu cầu phải giải quyết được triệt để, tàu cá gặp các lỗi kết nối phải báo về đất liền.

“Đây cũng là lúc địa phương chứng tỏ sự đóng góp của mình cho hình ảnh quốc gia, chứ không chỉ là gỡ "thẻ vàng" IUU. Nhiều lãnh đạo địa phương đã chia sẻ rằng, họ phải chi 20% thời gian cho công tác chống khai thác IUU. Nhưng tôi cho rằng, thời gian này không chỉ là dành cho chống khai thác IUU mà cho cả sau này. Vì IUU chỉ là bước khởi đầu trong các bước Việt Nam cấu trúc lại nghề cá minh bạch, trách nhiệm và bền vững”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Cơ hội cuối gỡ "thẻ vàng" IUU

Vấn đề thực thi ở cấp địa phương vẫn là điểm khuyến nghị mà Đoàn thành tra EC còn đang yêu cầu.

Ông Dương Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cũng cho rằng, vướng mắc nhất hiện nay là tình trạng tàu cá và ngư dân của chúng ta bị nước ngoài bắt giữ, xử lý có giảm rất nhiều nhưng chưa được chấm dứt. Do đó, làm sao từ thời điểm này đến lúc phía bạn sang, sẽ không còn phát sinh vụ việc nào bị các nước bắt giữ, xử lý thông báo.

“Chúng ta cương quyết điều tra xác minh, xử lý triệt để, để thể hiện cam kết, thể hiện không dung túng, không bao che của Việt Nam đối với hành vi này. Từ thời điểm này đến lúc đó, nếu không phát sinh vụ việc nào nữa thì khả năng gỡ cảnh báo thẻ vàng của Việt Nam sẽ khả quan”, ông Cường nhấn mạnh.

Bên cạnh các giải pháp cụ thể nêu trên, được biết tại Chỉ thị số 32-CT/TW, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.

Cụ thể, xác định công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thuỷ sản. Từ đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân ven biển, hải đảo về phát triển bền vững ngành thuỷ sản, chống khai thác IUU.

Ban Bí thư cũng yêu cầu các cấp chú trọng công tác vận động, nắm tình hình, kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn ngay từ trong bờ tàu cá và ngư dân cố ý vi phạm, nhất là khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

“Khẩn trương rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật, bổ sung chế tài xử lý nghiêm vi phạm; khắc phục kịp thời hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác chống khai thác IUU” – Ban Bí thư nhấn mạnh và yêu cầu có chính sách hỗ trợ hiện đại hoá nghề cá, cải thiện sinh kế, đào tạo nghề, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, bám biển, nâng cao cuộc sống.

Một nhiệm vụ khác mà Ban Bí thư yêu cầu là tổng rà soát, thống kê số lượng tàu cá và thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia. Tăng cường quản lý tàu cá, tàu công vụ thuỷ sản, cảng cá, đội tàu, xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá không giấy phép, không đăng ký, không đăng kiểm. Thực hiện nghiêm việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản khai thác.

“Giám sát được 100% sản lượng thuỷ sản khai thác trên biển, tại cảng; không có sản phẩm thuỷ sản bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài”, Ban Bí thư yêu cầu.

Song song đó, kiện toàn, nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm cho lực lượng Kiểm ngư và các cơ quan chức năng quản lý hoạt động thuỷ sản, thực hiện công tác chống khai thác IUU. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, thực thi pháp luật, xử lý triệt để các hành vi vi phạm.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong nuôi trồng, khai thác thuỷ sản, thiết lập chuỗi sản xuất bền vững, hệ sinh thái toàn diện. Từ đó, tạo môi trường thuận lợi cho ngành thuỷ sản phát triển lâu dài, có uy tín, khả năng cạnh tranh cao, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu...