Ngược lại, báo chí có thể nhận doanh nghiệp là đối tác trên bình diện và tư duy của người kinh doanh, là nguồn tin minh bạch, chính xác và tạo những giá trị tin cậy.
Cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ do dịch bệnh COVID -19, tác động của tình hình chính trị, suy thoái kinh tế toàn cầu… khiến số lượng doanh nghiệp đóng cửa, giải thể, ngừng hoạt động khá lớn. Tuy nhiên, tôi cho rằng, khó khăn hiện hữu chỉ là trước mắt, tạm thời.
“Người bạn” đồng hành
Trong hành trình khởi nghiệp và lập nghiệp của mỗi doanh nhân, đối mặt với thách thức là đương nhiên, là bản chất của kinh doanh. Đây có thể xem là bài học phát triển, cơ hội hun đúc ý chí và tinh thần khởi nghiệp doanh nhân trên cơ sở tái cấu trúc hệ thống, tái định vị doanh nghiệp và thương hiệu.
Trong thời gian tới, phát huy tinh thần khởi nghiệp; xây dựng đạo đức và văn hoá doanh nhân để phát triển doanh nghiệp lớn mạnh là định hướng lớn xuyên suốt. Hành trình và con đường này được thực hiện thành công tại nhiều quốc gia lớn trên thế giới. Tôi đã từng nghiên cứu 3 chỉ số của các quốc gia là chỉ số dân số, số lượng doanh nghiệp, GDP đầu người và nhận thấy 3 chỉ số này tương đồng với nhau. Chỉ số dân số và số lượng doanh nghiệp luôn song hành với nhau và cùng với GDP của nước đó. Chẳng hạn như Hoa Kỳ có 300 triệu dân thì có 6,7 triệu doanh nghiệp, tương đương 4,7 người có 1 doanh nghiệp. Nước Đức thời điểm tôi nghiên cứu có dân số tương đồng với Việt Nam – khoảng 90 triệu dân thì có 2,7 triệu doanh nghiệp, tương đương 33 người dân có 1 doanh nghiệp. Ở Hàn Quốc có 1 triệu doanh nghiệp trên tổng số 42 triệu dân hay ở Singapore có 5,2 triệu dân thì có 167.000 doanh nghiệp… Có thể thấy, ở các quốc gia trên, trung bình từ 45 – 60 người dân có 1 doanh nghiệp và đều có thu nhập bình quân đầu người rất cao.
Ngược lại, tại một số nước phát triển, trong đó có Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp trên tổng số dân khá khiêm tốn. Với gần 100 triệu dân, Việt Nam hiện có hơn 800.000 doanh nghiệp, tức là hơn 120.000 người dân mới có một doanh nghiệp. Việt Nam cần có thêm chính sách thúc đẩy và phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân để mang đến những giá trị quan trọng: tạo việc làm cho người lao động và lợi nhuận kinh tế cho cá nhân, doanh nghiệp, cho các đối tác và nền kinh tế.
Trong khó khăn chung của nền kinh tế, cùng với doanh nghiệp, các cơ quan báo chí cũng gặp nhiều thách thức về kinh tế báo chí, về cạnh tranh thông tin với mạng xã hội… Có thể nói, giai đoạn này, báo chí truyền thông và doanh nghiệp đang có sự gắn kết chặt chẽ, “đồng cam cộng khổ” cùng vượt qua khó khăn và hướng đến phát triển bền vững.
Quan hệ “win – win”
Báo chí và doanh nghiệp đã và đang tạo dựng mối quan hệ trên cơ sở đồng hành, tương hỗ, hỗ trợ lẫn nhau, nhất là những doanh nghiệp trẻ bắt đầu khởi nghiệp. Doanh nghiệp không thể phát triển, không thể thành công nếu không có thị trường, không có truyền thông. Trao đổi với doanh nghiệp khởi nghiệp, tôi vẫn nhấn mạnh: doanh nghiệp không truyền thông giống như quả chuông không có người gõ. Quả chuông dù có to đến mấy, được làm đẹp đến mấy mà không truyền thông, quả chuông đó cũng vô nghĩa. Các cơ quan báo chí chính là lực lượng quan trọng, là đối tác truyền thông đưa các sản phẩm hàng hoá, những sáng tạo của doanh nghiệp đến với thị trường, khách hàng. Báo chí là kênh thông tin quan trọng để lan toả những mô hình kinh doanh tốt, kinh nghiệm quản trị hay của doanh nghiệp; phản ánh kịp thời, chính xác những thay đổi của thị trường, đối tác…
Ngược lại, báo chí có thể nhận doanh nghiệp là đối tác trên bình diện và tư duy của người kinh doanh. Các cơ quan báo chí đang phát triển nhanh chóng song hành với sự phát triển và đổi mới của xã hội, của nền kinh tế. Trong hành trình đó, các cơ quan báo chí cũng cần gia tăng thêm nhiều đối tác. Doanh nghiệp chính là một trong những đối tác thân cận, khách hàng đặc biệt gắn kết với sự phát triển báo chí như một nguồn tin minh bạch, chính xác và tạo những giá trị tin cậy.
Những năm qua, nhiều kiến nghị, nguyện vọng chính đáng từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp được cơ quan báo chí phản ánh kịp thời, góp phần tích cực trong cải cách thể chế, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thân thiện, minh bạch và liêm chính. Những nỗ lực gắn kết trên đã góp phần thay đổi tư duy về mối quan hệ một chiều giữa báo chí và doanh nghiệp đã từng tồn tại nhiều năm trước đây: doanh nghiệp cần báo chí chứ báo chí chưa chắc cần doanh nghiệp.
Trong giai đoạn khó khăn thử thách hiện nay, các cơ quan báo chí tiếp tục có vai trò đặc biệt quan trọng trong động viên, khích lệ và bảo vệ doanh nhân cũng là bảo vệ nền kinh tế, sinh kế cho người dân, qua đó, củng cố niềm tin của xã hội với doanh nhân, cổ vũ và khích lệ tinh thần doanh nghiệp khởi nghiệp, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, doanh nhân dân tộc. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, một số chủ doanh nghiệp phải trả giá do vi phạm pháp luật. Việc lên án những doanh nhân, doanh nghiệp như vậy là cần thiết nhưng không vì một số hiện tượng xấu mà tạo nên cái nhìn thiện cảm, phủ nhận vai trò, đóng góp của cộng đồng doanh nhân và nỗ lực xây dựng thương hiệu. Thương hiệu không chỉ là tài sản của nhà sáng lập, của doanh nghiệp mà còn là tài sản của quốc gia. Một quốc gia mạnh thường sở hữu nhiều thương hiệu mạnh nên cần có định hướng để giữ gìn thương hiệu, giúp cho thương hiệu đó phát triển bền vững.