Không gian triển lãm, quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, cơ hội kết nối giữa Hà Nội, Hà Nam và các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ - Kết nối cùng Phát triển - "Link to Grow” diễn ra từ ngày 27 - 30/12/2023 tại Sảnh trước nhà Văn hóa tỉnh Hà Nam, đường Trần Phú, phường Quang Trung, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam..
Trao đổi với DĐDN tại Lễ khai mạc tối 28/12, ông Bùi Duy Quang – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) cho biết: Việc HPA tổ chức Không gian triển lãm, quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, cơ hội kết nối giữa Hà Nội, Hà Nam và các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ - Kết nối cùng Phát triển - "Link to Grow” nhằm tăng cường hoạt động hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, quảng bá hình ảnh của thành phố Hà Nội và các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Với mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ, bình ổn thị trường, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các địa phương nói chung và tỉnh Hà Nam nói riêng; Nâng cao nhận thức, lòng tin của người tiêu dùng về chất lượng, thương hiệu sản phẩm Việt, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Vượng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho rằng: Đây là Chương trình có tính thiết thực nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, nông nghiệp giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói chung và tỉnh Hà Nam nói riêng, cùng các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.
Thông qua chương trình các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác; trao đổi học tập kinh nghiệm, tìm kiếm, mở rộng thị trường, hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm; kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, qua đó tạo sức hút cho các nhà đầu tư đến kinh doanh, đầu tư và phát triển kinh tế địa phương, góp phần xây dựng thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Nam trở thành điểm nhấn trong phát triển thương mại, du lịch trọng điểm vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Theo đại diện Ban tổ chức, khu Không gian với diện tích khoảng 2.500 m², quy mô 80 gian hàng, bao gồm: Không gian quảng bá, giới thiệu thành tựu, tiềm năng, môi trường đầu tư; Không gian trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm thế mạnh, tiêu biểu, đặc trưng của Hà Nội, Hà Nam và các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với các sản phẩm đặc sản, sản phẩm được công nhận OCOP, thủ công mỹ nghệ, nông sản thực phẩm,… Quà tặng mang đến Triển lãm có các sản phẩm phong phú đến từ các làng nghề truyền thống Hà Nội nổi tiếng như sơn mài Hạ Thái, tranh thêu, đồ gỗ mỹ nghệ Thường Tín, sừng trang sức Thụy Ứng,… Những đôi dép lốp cao su gắn với các câu chuyện lịch sử thời kháng chiến hôm nay đã trở thành sản phẩm xuất khẩu nổi tiếng, cùng rất nhiều sản phẩm dệt may, thời trang; Không gian giao dịch, kết nối giữa các đơn vị sản xuất với hệ thống phân phối (các đơn vị bán buôn, bán lẻ, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, chuỗi cửa hàng thực phẩm, nhà hàng, khách sạn, sàn thương mại điện tử,...)
Không gian giới thiệu, quảng bá du lịch, văn hóa, các điểm đến du lịch hấp dẫn, sản phẩm du lịch mới, những tour du lịch mang lại trải nghiệm mới của thành phố Hà Nội; đặc biệt, có sự kết nối di sản phát triển du lịch giữa Hà Nội và Hà Nam qua tour trải nghiệm thực tế kết nối di sản như: Hà Nội - Chùa Tam Chúc - Đền Trần Thương, Hà Nội - Chùa Tam Chúc - Chùa Địa Tạng Phi Lai,...
“Đặc biệt tại Không gian triển lãm, quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, cơ hội kết nối giữa Hà Nội và các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Sở Công Thương tỉnh Hà Nam đã tham gia hơn 20 gian hàng giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, các sản phẩm có thương hiệu, được công nhận OCOP 3-5 sao của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các huyện trên địa bàn tỉnh Hà Nam như: Chuối ngự Đại Hoàng, Cá kho Nhân Hậu xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, bánh đa nem làng Chều, xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân; các sản phẩm của Làng nghề truyền thống Mây giang đan Ngọc Động, phường Hoàng Đông; Làng nghề truyền thống rượu bèo thôn Thượng, xã Tiên Ngoại, thị xã Duy Tiên; sản phẩm làng nghề truyền thống rượu Vọc làng Vọc, xã Vũ Bản...; ngoài ra, các sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến (như ruốc cá Trắm cỏ, Chả cá Rô phi, Cá kho của HTX thủy sản sông; các loại sữa của Công ty Cổ phần sữa và giống bò sữa Mộc bắc, thị xã Duy Tiên; Trứng gà thảo dược Saschi, Gà mía thảo dược thịt tươi của xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm…” ông Quang cho hay.
Theo khảo sát của DĐDN, không gian còn thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước như: Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Sơn La, Quảng Ninh, Yên Bái, Phú Yên,... mang đến nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú, các sản phẩm được chứng nhận OCOP là đặc sản tiêu biểu của địa phương như: mật ong, long nhãn, rau, củ quả đóng hộp, đông trùng hạ thảo khô nguyên sợ, bột rau má sấy lạnh, trà xanh, trà đen, bột rau tía tô hòa tan, tỏi đen, hà thủ ô, nghệ, hạch đen, sữa, nước mắm chắt, ruốc cá, tôm....