Kể từ khi đại dịch, ngành thương mại điện tử (TMĐT) mang một diện mạo hoàn toàn mới mẻ, trở nên quyền lực hơn rất nhiều so với bán hàng trong các cửa hàng thực địa. Doanh số bán hàng trực tuyến ngày càng tăng khi người bán biết triển khai các hình thức quảng cáo tương tác (chẳng hạn livestream) hoặc thanh toán qua ví điện tử. Trong thời gian gần đây, các cửa hàng trực tuyến, những website TMĐT và thậm chí các mạng xã hội đều đang mở rộng công cụ mua sắm nhằm nâng cao trải nghiệm mua hàng qua mạng.
Trong bối cảnh ấy, trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (ML) nổi lên nhanh chóng, trở thành một trong những chủ đề và động lực chính để mở ra các xu hướng quan trọng trong thị trường TMĐT và bán lẻ năm 2024.
Dưới đây là những xu hướng chủ đạo cho TMĐT năm 2024:
Chatbot
Với chatbot, người bán có thể dễ dàng trả lời những câu hỏi thường gặp của khách hàng với các câu trả lời được thiết lập sẵn. Không chỉ vậy, họ còn có thể “trả lời” 24/7, bất kể địa điểm và thời gian, ngay cả khi không có nhân viên nào trong ca.
Các thống kê cho thấy có đến 72% doanh nghiệp ưu tiên mở rộng AI và chatbot nhằm phục vụ trải nghiệm khách hàng. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy doanh nghiệp ngày càng nhận thức lợi ích của loại hình công nghệ này.
Bên cạnh đó, các chatbot hiện nay còn cung cấp hỗ trợ nhiều ngôn ngữ, giúp các doanh nghiệp dỡ bỏ rào cản ngôn ngữ khi muốn mở rộng đến những quốc gia khác.
Chẳng hạn, nhà bán lẻ trang phục thể thao toàn cầu DECATHLON đã tích hợp chatbot và thiết lập ngôn ngữ tương tác phù hợp với khách hàng của từng khu vực, chẳng hạn ở Singapore hoặc Anh và nhiều nơi khác.
Mạng xã hội mua sắm
Các nền tảng MXH đang dần trở thành các sàn TMĐT đầy tiềm năng. Chẳng hạn TikTok và Instagram đã tích hợp nhiều tính năng mua sắm, cho phép người dùng khám phá và mua hàng trực tiếp ngay trên ứng dụng, không cần điều hướng sang bất kỳ ứng dụng nào khác.
Xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển, bởi các ước tính cho thấy quy mô MXH mua sắm sẽ tăng trưởng ổn định, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) đạt 40,1% trong giai đoạn từ 2023 đến 2028.
Máy học (ML) và trí tuệ nhân tạo (AI)
ML và AI hỗ trợ rất nhiều trong quá trình phân loại hàng hóa tại các kho TMĐT thông qua quy trình kiểm soát chất lượng và quy trình xử lý được tối ưu hóa. Tức là ML và AI có thể giúp các doanh nghiệp kiểm soát chuỗi cung ứng, đảm bảo dòng hàng, giảm thiểu chi phí và tăng hiệu suất.
Chẳng hạn, hai công cụ AI là IBM Sterling Supply Chain Intelligence Suite và Supply Chain Guru cho phép người dùng kiểm soát hiệu quả chuỗi cung ứng bằng cách theo dõi hàng tồn, dự đoán nhu cầu và số lượng đơn đặt hàng, cũng như định tuyến lại việc giao hàng để tránh tắc nghẽn và giao hàng trễ.
Video nhiều thể loại
Ngày càng nhiều thương hiệu tương tác với người mua bằng video, chẳng hạn video trên TikTok hoặc các đoạn phim ngắn (reels) trên Instagram. Những trải nghiệm sống động như vậy cho phép người mua hình dung được sản phẩm trước khi tiến đến các bước tiếp theo trong quá trình mua sắm.
Thống kê cho thấy trong năm 2023, việc sử dụng video giúp tăng 81% lượng khách hàng tiềm năng và doanh số bán hàng. Đồng thời 80% những người được hỏi cũng thích nội dung video hơn các nội dung văn bản.
Không chỉ làm video, các thương hiệu còn mời KOL và những người có tầm ảnh hưởng xuất hiện trong phiên livestream của mình để trực tiếp giới thiệu sản phẩm và trả lời các câu hỏi của khán giả/người mua.
Trong khi đó, những nền tảng TMĐT lâu đời như Amazon, Shopee và eBay tương tác với cộng đồng người dùng TikTok bằng cách tạo những video có tính giải trí và chứa đựng thông tin về sản phẩm hoặc các chương trình khuyến mãi phổ biến.
Tìm kiếm bằng giọng nói
Hầu hết điện thoại thông minh hiện nay đều có tính năng tìm kiếm bằng giọng nói. Đến năm 2025, ước tính thị trường nhận dạng giọng nói toàn cầu sẽ tăng trưởng với CAGR đạt 17,2% cho giai đoạn 2019 đến 2025, tương đương giá trị 26,8 tỷ USD.
Tính năng tìm kiếm bằng giọng nói trên các website TMĐT sẽ hoạt động theo cách giống như Amazon, Google Assistant của Google và Siri của Apple.
Trước xu hướng này, doanh nghiệp có thể triển khai các kế hoạch tối ưu tìm kiếm bằng giọng nói để sản phẩm của mình có thể nổi bật hơn thông qua các truy vấn bằng lời nói. Điều này tương tự như Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO), đơn giản là website cần có những từ khóa chính xác dưới hình thức ngôn ngữ nói và được gắn thẻ đến một vị trí nhất định.
Tập trung vào xu hướng tìm kiếm bằng giọng nói không chỉ tăng cường khả năng tiếp cận người mua, mà còn nâng cao trải nghiệm, sự tiện lợi cho khách hàng trong quá trình mua sắm.