Thêm sự kết hợp giữa hai bên
Mới đây, nền tảng gọi xe Gojek đưa tính năng đặt đồ ăn trực tuyến GoFood lên hoạt động trên nền tảng MoMo. Sự hợp tác này khiến Gojek trở thành công ty công nghệ đầu tiên tại Việt Nam cung cấp tính năng đặt đồ ăn trực tuyến trên một ứng dụng thanh toán là MoMo.
Thông qua hợp tác, người dùng MoMo tại Hà Nội và TP.HCM có thể dùng tính năng GoFood để khám phá ẩm thực tìm kiếm các món ăn yêu thích, đặt đồ ăn và thanh toán đơn hàng với hàng triệu sự lựa chọn món ăn từ các đối tác nhà hàng của Gojek trong khi không cần phải rời nền tảng MoMo. Ngoài ra, người dùng cũng có thể sử dụng các chức năng như theo dõi đơn hàng, kiểm tra lịch sử đơn hàng…, tương tự như khi đặt hàng trên Gojek, giúp trải nghiệm việc đặt món trở nên tối ưu hơn.
Mối quan hệ hợp tác này cho phép Gojek tiếp cận và phục vụ hệ sinh thái hàng chục triệu người dùng của MoMo, cũng như mang đến cho các đối tác nhà hàng GoFood thêm cơ hội thu nhập cùng tiềm năng quảng bá nhà hàng sâu rộng. Tương tự, các đối tác tài xế Gojek cũng được hưởng lợi từ sự hợp tác này với khả năng nhận được nhiều đơn hàng hơn.
Có thể nói, đây được coi là một bước đi mới trong quan hệ hợp tác vốn đã khá khăng khít của hai bên. Đầu năm 2022, người dùng Việt Nam đã được chứng kiến sự hợp tác của hai bên khi MoMo là ví điện tử đầu tiên được tích hợp trên ứng dụng Gojek tại Việt Nam. Và với sự hợp tác này, người dùng của cả hai hệ sinh thái Gojek và MoMo đã có thể chọn thanh toán bằng ví điện tử khi chi trả cho các dịch vụ trên ứng dụng Gojek.
Theo phát biểu của cả hai, MoMo có thể kỳ vọng tiếp cận với tệp khách hàng mới đa dạng từ nền tảng đa dịch vụ theo yêu cầu hàng đầu Đông Nam Á của Gojek với 200 nghìn đối tác tài xế và hàng chục nghìn nhà hàng. Ở chiều ngược lại, Gojek cũng có cơ hội tiếp cận với hệ sinh thái hơn 31 triệu người dùng năng động của MoMo.
Bước tiến mới trên con đường “siêu ứng dụng”
Trên thực tế, khái niệm “siêu ứng dụng” đã được giới thiệu hơn một thập kỷ trước bởi người sáng lập BlackBerry Mike Lazaridis và kể từ đó đã trở thành một hiện tượng toàn cầu. Các ứng dụng “tất cả trong một” này đang định hình lại ngành thị trường di động bằng cách cung cấp nhiều dịch vụ trong một nền tảng duy nhất.
Siêu ứng dụng là các ứng dụng di động đa chức năng cung cấp nhiều loại dịch vụ dưới một chiếc ô kỹ thuật số, chẳng hạn như nhắn tin, mạng xã hội, gọi xe, giao đồ ăn, thanh toán hóa đơn và mua sắm trực tuyến. Chúng đã trở nên nổi tiếng đáng chú ý ở châu Á, với các công ty như WeChat, Grab và Gojek dẫn đầu. Ở đó, các siêu ứng dụng thường bắt đầu bằng một dịch vụ cốt lõi, như nhắn tin hoặc gọi xe, sau đó đa dạng hóa sang các lĩnh vực khác trước khi cung cấp dịch vụ của bên thứ ba.
Gần đây, tờ tạp chí Economist đã có một bài báo chuyên sâu về các siêu ứng dụng. Nghiên cứu cho thấy đang có một sự thay đổi của các siêu ứng dụng khi các nền tảng kỹ thuật số di động tiếp tục cung cấp các chức năng độc quyền và của bên thứ ba dưới một nền tảng duy nhất thương hiệu.
Theo nghiên cứu, ngày nay các siêu ứng dụng cũng thường hợp tác với các doanh nghiệp địa phương, tạo ra các mối quan hệ hai bên cùng có lợi. Bằng cách hình thành liên minh với các công ty khác, siêu ứng dụng này có thể khai thác thị trường mới, mở rộng cơ sở khách hàng và tăng khả năng hiển thị thương hiệu. Những quan hệ đối tác như vậy cũng cho phép các siêu ứng dụng cung cấp nhiều loại dịch vụ bổ sung, có khả năng thu hút nhiều người dùng hơn đến với nền tảng của họ.
Có thể thấy, trong trường hợp của Gojek và MoMo, cả hai đang tìm kiếm sự bổ sung đáng kể cho nhau khi với hơn hàng chục triệu người dùng của MoMo, kết hợp cùng hàng chục nghìn nhà hàng trên nền tảng GoFood của Gojek, có thể sẽ đem lại các cơ hội mới cho cả hai đồng thời cũng đem đến nhiều sự lựa chọn và trải nghiệm tối ưu cho người dùng.