PGS.TS Bùi Quang Tuấn - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, trong khi các động lực cho tăng trưởng truyền thống đang có xu hướng giảm dần thì nhiều nền kinh tế đang tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới và đi rất nhanh tới kinh tế số, kinh tế xanh cùng nhiều chuyển dịch khác.
Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự bùng nổ của các tiến bộ khoa học công nghệ đang làm thay đổi thế giới, bao gồm các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, cho phép chúng ta nâng cấp một cách cơ bản chất lượng tăng trưởng. Trong các xu hướng mới, chuyển đổi kép (chuyển đổi xanh và chuyển đổi số) mang đến cơ hội bứt phá cho Việt Nam khi có thể bỏ qua một số giai đoạn tuần tự để bắt kịp với xu thế phát triển của thế giới, tạo ra các động lực tăng trưởng mới và những mô hình kinh doanh sáng tạo.
Một yếu tố quan trọng khác, những quy định, tiêu chuẩn xanh của các thị trường lớn nhập khẩu hàng hoá, sản phẩm của Việt Nam ngày càng khắt khe và được luật hoá, tạo áp lực chuyển đổi cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt.
Bên cạnh những điều kiện tác động từ bên ngoài, trong nội tại nền kinh tế Việt Nam, yêu cầu đổi mới động lực, mô hình tăng trưởng xanh và bền vững dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng đang trở nên cấp bách hơn. Theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn, đáp ứng yêu cầu trên chính là chúng ta đang lồng ghép chuyển đổi số trong chuyển đổi xanh.
Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong tăng trưởng như biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng; xuất khẩu nhiều đi kèm với phát thải khí nhà kính lớn; tài nguyên vừa cạn kiệt vừa có hiệu quả sử dụng thấp hơn so với các nước trong khu vực và thế giới. Chẳng hạn, với mỗi đơn vị (m3) nước chỉ tạo ra 2,37 USD gần bằng 1/10 so với mức trung bình toàn cầu là 19,42 USD.
PGS.TS Bùi Quang Tuấn cho rằng, tiếp tục đi theo con đường nâu, tăng trưởng kinh tế khó đạt được bền vững. Mô hình kinh tế tuyến tính dựa trên khai thác tài nguyên từ môi trường tự nhiên làm đầu vào cho hệ thống kinh tế, qua quá trình sản xuất, tiêu dùng và thải loại ra môi trường sẽ làm nhu cầu sử dụng tài nguyên tăng gấp 3 lần hiện nay, vượt ngoài khả năng cung ứng và lượng chất thải sẽ vượt giới hạn sức chịu tải của môi trường.
Yêu cầu cần thiết có mô hình kinh tế sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả hơn, giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường và có khả năng chống chịu tốt hơn. Kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp.
Giải pháp này đòi hỏi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, trong đó có công nghệ số. Đó cũng là một trong những lý do kinh tế số gắn liền với kinh tế xanh, chuyển đổi số gắn liền với chuyển đổi xanh.
Thực hiện chuyển đổi kép, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng song hành cũng là những thuận lợi. Việt Nam có 2 cơ hội vàng là dân số đông, trẻ, có khả năng tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 nhanh và cơ cấu dân số vàng để có thể tăng trưởng nhanh, chất lượng.
Thời điểm này, để nắm bắt được cơ hội từ chuyển đổi kép mang lại, PGS.TS Bùi Quang Tuấn cho rằng, cần giải phóng các nguồn lực cho khu vực doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân cần tham gia tích cực, khai thác các cơ hội mới. Đi cùng với đó tạo sự đột phá từ thể chế nhằm khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tăng cường tích hợp chuyển đổi số và chuyển đổi xah xanh để thay đổi, chú trọng đến chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh và năng lực chống chịu, thân thiện môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Muốn thực hiện được những nội dung trên, yêu cầu đặt ra là cần phải rõ ràng về thay đổi tư duy từ nâu sang xanh, tư duy về bền vững, tạo dựng lối sống và văn hoá sống xanh, có trách nhiệm. Nhà nước, doanh nghiệp, hộ gia đình, các tầng lớp xã hội bắt buộc phải vào cuộc và có sự liên kết, chung tay; đảm bảo các nguồn lực, trong đó, nguồn lực con người quan trọng nhất.